QUÂN PHỤC ĐẠI LỄ CỦA THỦ ĐỨC

QUÂN PHỤC ĐẠI LỄ CỦA THỦ ĐỨC

HỊCH TRUYỀN

HỊCH TRUYỀN

THÁNG TƯ ÔM HẬN

THÁNG TƯ ÔM HẬN
Thơ VŨ UYÊN GIANG - phổ nhạc Lmst

Chiến trường xa lắc






Huy Văn

Xe bus bắt đầu đổ đèo. Cô bé hướng dẫn viên du lịch trong chiếc áo dài xanh, tóc cắt ngắn ôm gọn lấy gương mặt ngây thơ, trong sáng. Cô nói tiếng Anh khá trôi chảy:
- Quý vị đang đi trên quốc lộ bốn mươi hai và huyện Đắc một thắng cảnh thiên nhiên với nhiều di tích lịch sử của Buôn Ma Thuột. Không bao lâu nữa chúng ta sẽ tới nhà sàn buôn Tong Yo. Trong chuyến du lịch năm ngày, quý vị sẽ ở trong căn nhà sàn dài ba mươi mét rộng hơn tám mét được xây dựng đúng theo lối kiến trúc cổ của dân tộc M’ Nông. Ban ngày quý vị có thể cưỡi voi băng rừng, vượt suối thăm các buôn sóc xa xôi, ghé buôn Tua nếm chút rượu cần, tạt qua buôn Yang La ăn con cá lóc nướng lá chuối, hoặc thả thuyền độc mộc trên hồ Đắc ngắm cảnh hoàng hôn. Chiều đến, thay vì dùng bữa ăn tối thịnh soạn với rượu chát đỏ hay rượu mạnh thì chúng tôi mời quý vị uống chút rượu cần, ăn thịt bò thui với cơm nếp dẻo nấu trong ống tre tươi, một cách nấu cơm đặc biệt của các dân tộc miền núi và thưởng thức nhạc dân gian của dân tộc M’ Nông. Tiếng chiêng, tiếng khèn, tiếng trống mộc mạc đơn điệu bên bếp lửa hồng sẽ làm cho tinh thần quý vị thư giãn phần nào, quên đi cái ồn ào náo nhiệt của đô thị. Một điều khá quan trọng là quý vị có thể nhìn lại bãi chiến trường mà trước đây khoảng một phần tư thế kỷ, quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng trong một trận đánh lịch sử đã tiêu diệt gọn một tiểu đoàn địch.
Cô bé đảo mắt một vòng, hơi ngập ngừng rồi nói tiếp:
- Nếu quý vị đã từng tham quan Củ Chi, với mục đích tìm lại dấu vết của cuộc chiến ngày xưa thì Củ Chi với những địa đạo nằm sâu trong lòng đất, cong queo, ngoằn ngoèo hàng chục cây số sẽ đáp ứng được phần nào nguyện vọng của quý vị. Trái lại, chiến trường ở đây sẽ là một điều ngạc nhiên cho quý vị, bởi vì quý vị sẽ không còn thấy một chút dấu vết gì của trận đánh kinh hồn năm xưa. Chúng tôi xin đi ngược lại thời gian. Mùa xuân một chín sáu tám, lúc ấy quận Thanh Bình là thị trấn Lam Sơn bây giờ, một quận lỵ tiêu điều, xơ xác do một tiểu đoàn ngụy quân trú đóng được tăng phái bốn khẩu đại pháo một trăm năm mươi lăm ly.
Một bà người Mỹ trong xe buột miệng:
- Một tiểu đoàn có bao nhiêu người ?
- Thưa bà, theo tài liệu học tập một tiểu đoàn ngụy có vào khoảng năm trăm người.
Cô bé ngưng nói ý như chờ đợi, khi thấy mọi người trong xe đều im lặng, cô tiếp tục:
- Trong khuôn khổ chiến dịch “tổng nổi dậy” năm ấy, hai tiểu đoàn chủ lực quân đội nhân dân, một tiểu đoàn pháo phối hợp với du kích địa phương trong một trận đánh oai hùng đã diệt gọn lực lượng đồn trú của ngụy quân ở Lam Sơn. Chiến tích lẫy lừng này đã được báo Quân Đội Nhân Dân đăng tải đầy đủ. Chúng tôi sẽ hướng dẫn quan khách đến thăm bãi chiến trường ngày xưa, giờ đây là thị trấn Lam Sơn sầm uất, phồn thịnh. Sau hết, chúng tôi thay mặt công ty du lịch tỉnh Đắc Lắc, kính chúc quý vị năm ngày hạnh phúc trong chuyến du lịch buôn Tong Yo.

*
Ngồi bên cạnh tôi là một người Mỹ già, râu tóc bờm xờm, gương mặt xương xương khắc khổ, áo quần lôi thôi lếch thếch. Ngần ấy thứ khiến tôi liên tưởng đến hình ảnh của vài người Mỹ với tấm giấy bìa cứng trên tay “làm việc vì cần thực phẩm” , thường hay đứng ở những ngã tư đường đông đúc xe cộ qua lại.
Ông ta bất chợt lên tiếng:
- Xin lỗi, ông là người Đài Loan ?
- Ông đoán coi ?
- Nhật ? Đại Hàn ?
- Không, không phải, tôi là người Việt Nam.
- Ông hiểu cô bé nói gì chứ ?
- Vâng, tôi hiểu. Tôi sống ở Mỹ từ năm bảy lăm cho nên nghe và nói tiếng Mỹ được.
- Tôi hơi lơ đễnh, qua cử chỉ và giọng nói lẽ ra tôi phải hiểu ngay rằng ông đã sống ở Mỹ
lâu rồi. Thế ông ở tiểu bang nào ?
- California.
Người Mỹ già mừng rỡ ra mặt:
- Con gái tôi đang sống ở đó.
- Còn ông ?
- Idaho.
Tôi mỉm cười với ông ta:
- Ông có định đem khoai tây sang bán cho dân Việt Nam không ?
Người Mỹ già cười híp cả mắt, lối cười thoải mái dân Mỹ vẫn cười:
- Khoai tây ở đây rẻ như cho, tôi đâu có dại chở củi về rừng.
Không khí bỗng trở nên thân mật, đang sống trên quê hương mình mà tôi có cái cảm giác tha hương ngộ cố tri. Người Mỹ già đưa tay qua ghế ngồi:
- Tôi tên là John, hân hạnh được biết ông.
Tôi hơi lúng túng nhưng vẫn cố gắng pha trò:
- Cánh tay phải của tôi chỉ là cái ống tay áo thôi. Ông có muốn bắt tay với cái ống tay áo không ?
- Xin lỗi, tôi thật vô ý.
- Có gì đâu, tôi là Định, hân hạnh được biết ông, John nè, xưng hô bằng mày, tao được không ? Cứ cái điều một thưa ông, hai thưa ngài nghe nó nặng nề, khách sáo quá.
John vui vẻ:
- Có gì trở ngại đâu.
Tôi nhìn về phía cô hướng dẫn viên du lịch:
- Mày có nhớ cô bé dễ thương kia nói, quý vị sẽ không còn thấy một chút dấu vết gì của trận đánh năm xưa không ?
- Nhớ chớ, nhưng chuyện ăn nhậu gì tới mày ?
- Tại sao không ? Một cánh của tao bỏ lại nơi này. Bây giờ, tao hiện diện nơi đây thì ít ra cũng còn một chút gì đó chớ. Khúc đèo mình vừa đi qua vẫn còn đó, có khác chăng là ngày xưa thuốc khai quang đã làm chết cả một cánh rừng dài hàng chục dặm dọc theo hai bên đường. Hồi đó mỗi lần đóng quân ở đỉnh đèo tao lại có cái cảm giác như đang sống ở một tinh cầu xa lạ nào đó. Một cọng cỏ cũng không còn, nói chi đến lá cây trong rừng. Màu xanh của lá hoàn toàn biến mất, chỉ còn trơ lại những thân cây khô khốc, khẳng khiu.
John nhìn tôi chậm rãi:
- Mày đang nói tới chất độc màu cam ?
- Đúng.
- Có định kiện chính phủ Mỹ về hành động rải thuốc độc lên quê hương của mày không?
- Nước Mỹ đã cưu mang, đùm bọc tao hai chục năm rồi. Một bên là cha mẹ ruột, một đằng là cha mẹ nuôi, tao biết thương ai, bỏ ai bây giờ? Hơn nữa Việt Nam mà kiện chính phủ Mỹ chẳng khác gì chuyện con kiến đi kiện củ khoai.
- Con kiến-kiện-củ khoai, mày nói gì vậy ?
- Xin lỗi, tao quên khuấy đi mất mày là người Mỹ.
John quay người định nói điều gì đó với tôi thì giọng cô hướng dẫn viên chợt vang lên cắt đứt câu chuyện giữa tôi và John.
- Kính thưa quý vị, quý vị đang ở Lam Sơn. Nhà sàn buôn Tong Yo hân hạnh đón chào quý vị quan khách.

*
Buổi sáng, khi mọi người trong đoàn du lịch hãy còn cuộn mình trong những chiếc chăn êm ấm, thơm mùi vải mới và bên ngoài sương mù xuống thật thấp giăng mắc khắp núi đồi, cả một thung lũng mênh mông chìm trong làn sương mỏng, tôi men theo con dốc nhỏ lần lên ngôi biệt điện nằm chơ vơ một mình trên đỉnh đồi. Con đường này ngày xưa được tráng nhựa phẳng phiu giờ đây đã hư hại nặng nề. Mặt đường lỗ chỗ những ổ gà, nhiều nơi chỉ còn trơ lại đất đỏ. Càng lên cao lòng đường càng thu nhỏ lại bởi đủ thứ loại cỏ dại mọc chen chúc hai bên đường.
Tôi đứng trước ngôi biệt điện mà lòng bồi hồi xúc động. Trước mắt tôi một ngôi nhà hoang phế, điêu tàn. Nguyên một mảng tường rêu xanh bám đầy, chới với giữa đống gạch ngói ngổn ngang. Phần sau mái nhà trống rỗng chỉ còn lại những hàng cột xiêu vẹo tựa vào nhau như chống đỡ lấy sự tàn phá của thời gian. Tôi còn lạ gì ngôi biệt điện này. Nếu đứng nơi sân trước của nó, người ta có thể phóng tầm mắt mình đến tận cuối chân trời, quan sát được toàn thể quận Thanh Bình. Trước mặt là hồ Đắc, bên trái là thị trấn Lam Sơn, xa hơn chút nữa về phía nam là những buôn sóc của người Thượng nằm chênh vênh, im lìm bên sườn núi cạnh những con suối nhỏ lững lơ uốn lượn.
Tôi lấy trong xách tay, bó nhang và cái hộp diêm. Ngọn lửa của que diêm bùng cháy rồi tắt ngấm, que diêm thứ hai cũng cháy rồi tắt. Tôi lầm thầm trong miệng:
- Hai chục năm hơn rồi, hôm nay tôi mới có dịp về đây thăm các bạn, đường xa cách trở nên có chút muộn màng, xin các bạn hãy tha thứ cho sự chậm trễ này.
Ánh lửa của que diêm bùng lên, cháy mãi cháy hoài, cháy cho đến khi mấy ngón tay của tôi nóng bỏng. Tôi ngửi được mùi nhang thơm trộn lẫn với không khí trong lành của cao nguyên, thấy được khói hương tỏa khắp núi rừng. Trong lòng bỗng nhiên thanh thản lạ lùng, tôi tưởng như mình đang cùng bạn bè uống rượu. Đang miên man với quá khứ, tôi chợt khựng người khi thấy John đứng một mình dưới gốc cây cổ thụ, trong cái im vắng của núi rừng cao nguyên. Ông ta như chết sững trước cái mênh mang trầm lặng của hồ Đắc. Tôi đoán là John đã chạy bộ buổi sáng như ông ta vẫn thường làm theo thói quen ở Mỹ, bất ngờ lạc đến đây rồi sững sờ trước cái âm u, cô tịch đầy hoang dại của ngôi biệt điện.
Không muốn khuấy động đến riêng tư của người khác, tôi đổi hướng nhìn rồi đi vòng ra phía sau. Được chừng mươi bước tôi nghe tiếng gọi ơi ới của John đuổi theo. Sau những câu chào hỏi xã giao lỉnh kỉnh, lẩm cẩm, chào buổi sáng, mày khỏe không? John bắt đầu gợi chuyện:
- Chạy bộ phải không?
- Ừ, thì cũng như mày vậy.
John đưa tay gải đầu:
- Tao hơi tò mò, muốn hỏi mày vài câu được không?
- Cứ hỏi.
- Tao biết người Á Châu, hay người Việt Nam của mày, chỉ đốt nhang trong chùa và ngoài nghĩa địa. Ở đây, rừng núi chập chùng, hoang liêu cô tịch, không chùa không miếu, không mồ không mả, mày đốt nhang làm gì?
- Có nói mày cũng không hiểu, xin lỗi đã không trả lời cho mày được.
John nhìn tôi với vẻ mặt buồn buồn.
- Lát nữa mày có đi cưỡi voi ghé mấy cái buôn Thượng uống rượu cần không?
- Cưỡi voi thì è è ... bàn tay trái tôi lắc nhẹ theo giọng nói, còn chuyện uống rượu thì không có tao rồi. Khi nào về Mỹ mày khui một lon Budweiser rồi giấu trong kệ sách, sau đó chừng dăm bảy ngày, đem ra uống thì chẳng khác gì uống rượu cần.
John nhìn về phía hồ:
- Này Định, chèo thuyền độc mộc làm một vòng quanh hồ Đắc cũng thú vị lắm chớ.
Không trả lời John ngay, tôi dẫn ông ta lên sân thượng của ngôi biệt điện:
- Mày có thấy khúc eo của hồ Đắc không?
- Tao thấy.
- Chỗ đó đo được đúng hai cây số và chiều dài của hồ hơn mười cây số.
- Sao mày biết?
- Bản đồ quân sự một phần năm mươi ngàn nói như vậy. Liệu mày chèo thuyền độc mộc mấy ngày mới đi đủ một vòng? John à, nếu muốn cưỡi voi, đi thuyền thì tao tới Thái Lan, Mã Lai hoặc Cam Bốt cũng có vậy, tội gì phải khổ công lặn lội tới đây.
Trên đường về, John không nói với tôi một tiếng nào. Gương mặt ông ta lộ vẻ đăm chiêu, trầm mặc.

*
Đêm cuối cùng trong chuyến du lịch, tôi ngồi một mình bên bếp lửa với ly cà phê đen đặc quánh trên tay. Bếp lửa được xây bằng đất theo kiểu của bộ tộc M’ Nông, nó chỉ là một lớp đất nền vuông vức, mỗi cạnh khoảng hơn một thước, chiều dày độ một gang tay được đặt ngay chính giữa gian nhà. John lững thững đi về phía tôi, vừa đi vừa dụi mắt:
- Ngủ không được?
- Tao mất ngủ mấy đêm rồi. Tao có tật xấu là nằm cong như con tôm, gặp khi nắng quái trở trời thì lại ngáy như gọi đò sang sông vì mặc cảm đó cho nên khi sống chung đụng như thế này, tao có cảm tưởng như đời tư của mình bị dòm ngó.
- Mày bị Mỹ hóa rồi.
- Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài. Hai thập niên sống trong cái “ nồi hầm” tạp chủng, tao đã thay đổi khá nhiều mà không biết. Cám ơn mày đã nhắc tao.
John nhìn tôi ngập ngừng:
- Xin lỗi, tao lại dòm ngó đến đời tư của mày. Trên chuyến xe bus vào đây, mày nói là một cánh tay của mày đã để lại nơi này. Mày có cái lối nói chuyện khi thì thiếu đầu, lúc thì hụt đuôi khiến tao cứ như con chuột, một loài chuột chỉ biết có hai chiều không gian, suốt ngày chạy vòng vòng trong chiếc hộp mở nắp.
Tôi đưa ly cà phê đen lên:
- Mày muốn một ly như vậy không?
- Tại sao không?
- Gọi nhân viên phục vụ, đòi một ly cà phê phin Việt Nam, đêm còn dài, còn khối thời gian, uống xong ly cà phê mày sẽ hết chạy vòng vòng. OK?
- Năm một chín sáu bảy, tao tốt nghiệp trường bộ binh Thủ Đức, mang cặp lon chuẩn úy mới tinh đến đây nhận đơn vị. Lúc ấy quận Thanh Bình là một quận lỵ nghèo nàn, xơ xác. Cả một cái quận đếm được vài chục nóc nhà tranh vách đất, xiêu vẹo ngả nghiêng. Có lẽ đây là cái quận buồn tẻ nhất của đất nước tao thời bấy giờ. Quận không đèn, không hàng quán, không xe cộ thậm chí không thấy bóng người lai vãng. Ngày tao đến đây, trời đổ mưa như trút nước. Tao vác túi quân trang đi một mình trong mưa, dưới hàng phượng vĩ mà cứ ngỡ là mình sống trong mơ.
John chận lời tôi:
- Hàng phượng vĩ đâu rồi?
- Ai mà biết, tao chỉ biết được căn nhà sàn mà tao với mày đang nằm đúng ngay vị trí hàng phượng vĩ ngày xưa.
John nhìn ra cửa sổ rồi gật đầu, cái lối gật đầu của Mỹ thì khó mà hiểu được.
- Rồi sao nữa?
- Rồi sao? Tao giữ chức vụ trung đội trưởng trung đội một, với hai mươi người lính dưới quyền. Đại đội của tao có nhiệm vụ chính là tổ chức phòng thủ, bảo vệ cơ quan hành chánh quận. Trên lý thuyết thì quân số của một đại đội là một trăm hai mươi ba người, thế nhưng thực tế thì lại quá eo xèo, có đơn vị nào đầy đủ quân số đâu. Chín chục người khiển dụng là ngon lành lắm rồi. Trong quận còn có thêm một trung đội pháo binh một trăm lẻ năm ly. Đó là tất cả quân lính cơ hữu của quận.
John hỏi mà như chất vấn tôi:
- Nhiêu đó thôi sao?
- Chỉ nhiêu đó thôi.
- Mày chắc không?
Tôi đổ quạu:
- Mày muốn bao nhiêu? Một tiểu đoàn? Nếu mày không muốn nghe tao nói thì thôi.
John khoát tay lia lịa:
- Không, không ... Mày cứ tiếp đi.
- Cuộc sống của người lính tiền đồn quả thật là buồn tẻ, hết sửa sang giao thông hào thì lại tu bổ hàng rào phòng thủ, sau đó đi hành quân lục soát vài ngày. Hành quân về lại xây hầm chống pháo kích, lại lau chùi súng ống, lại uống rượu. Hết ngày này qua tháng nọ cứ bấy nhiêu chuyện nhàm chán đó làm hoài, cho đến một hôm ... Một giờ sáng ngày mồng một tết, tao bỗng giật mình thức giấc vì những tiếng nổ tưởng như long óc, ù tai. Không biết bao nhiêu là quả đạn tám mươi hai ly, rồi sơn pháo một trăm ba mươi ly thi nhau chụp xuống đồn. Mặt đất rung chuyển dữ dội như có hàng ngàn ngọn núi lửa đồng loạt chuyển mình hoạt động. Tao vơ vội cây carbine M2, chạy ra giao thông hào, thuộc khu vực trách nhiệm của mình. Chưa đến nơi tao đã nghe tiếng gào của trung úy đại đội trưởng xen lẫn tiếng hô xung phong của địch quân từ xa vọng lại. Dưới ánh hỏa châu vàng chiếu sáng một góc trời, tao không tin nổi đôi mắt của mình. Địch quân đông như kiến cỏ, từng đoàn, từng đoàn chạy băng băng lên sườn đồi. Họ đang cố gắng vượt qua hàng rào kẽm gai phòng thủ số một. Tiếng đạn đại liên ba mươi, carbine M2 rồi AK47 nổ dòn bốn phía. Từng xác địch bay bổng lên không rồi nằm vắt vẻo nơi hàng rào kẽm gai. Hết lớp này đến lớp khác, họ như không biết sợ, cứ nhắm ngay họng súng đại liên mà lăn xả vào.
John ngắt lời tôi:
- Mày có sợ không?
- Ngay lúc đó thì tao không sợ. Một thằng chuẩn úy ra trường được sáu tháng, biết gì về chiến trường mà sợ. Sau này, thời gian nằm quân y viện, mỗi lần nhớ lại là một lần tao són đái trong quần.
- Mày lại khôi hài rồi.
- Chút đỉnh.
John đưa ngón tay cái lên trời.
- Bao nhiêu giờ giấc trôi qua không ai biết được. Cấp số đạn cơ hữu của mọi người đã hết, lính của tao lớp chết , lớp bị thương nằm la liệt dưới giao thông hào, trong khi đó địch quân mỗi lúc một đông hơn, mạnh hơn. Tình thế càng lúc càng nguy ngập cho đến khi hai khẩu pháo một trăm lẻ năm ly trong quận hạ nòng trực xạ thì tao biết số phận của mình đã được định đoạt. Đối với pháo binh đạn chống biển người chỉ được phép xử dụng trong tình trạng tuyệt vọng. Bấy giờ quân lính hai bên trộn lẫn như xôi đậu. Giữa lúc mạng sống con người như chỉ mành treo chuông ấy thì hai người lính nói như hét vào tai tao: “ Chạy theo bọn này về mé sau hồ.” “ Tụi mày có điên không mà chạy vô bãi mìn?” “Chuẩn úy có muốn chết thì ở lại” . Tao biết mé sau quận, chỗ tiếp giáp với hồ Đắc là một sườn dốc khá cao với một bãi mìn phòng thủ. Địch quân không bao giờ tấn công vào mặt này trừ phi họ có ghe hoặc xuồng.
John gật đầu như hiểu rõ.
- Thì ra là vậy.
- Hai người lính kéo tao chạy băng qua bãi mìn dài hàng trăm thước trước khi chạm được mặt nước hồ. Tao mừng rỡ nói: “ Bơi qua hồ là thoát.” Hai người lính nhìn tao thương hại: “ Cánh tay chuẩn úy bị thương làm sao bơi.” Tao nhìn xuống, cánh tay mặt của tao đẫm máu tự lúc nào. Một viên đạn xuyên qua bắp tay mà tao hoàn toàn không biết. Hình như khi sự sợ hãi đã lên đến tột cùng thì con người hoàn toàn mất hết tri giác. Một chút tự ái của thằng sĩ quan còn sót lại trong người, tao nói với hai người lính: “ Tụi mày bỏ tao ở đây, chạy đi.” Hai người lính cúi đầu xầm xì một lúc, cuối cùng họ xé một mảnh vải nơi ống quần buột chặt cánh tay của tao theo cách cột đai chỉ huyết. “Thầy trò sống chết có nhau, bọn tôi sẽ kèm ông bơi qua hồ. Ráng giữ sức, đạp nhẹ hai chân, mọi chuyện có bọn này lo”.
Tao nghe tiếng khua nước nhẹ nhàng đều đặn. Từng giọt nước long lanh vỡ vụn dưới ánh hỏa châu vàng. Mắt tao nhòa đi khi nghĩ đến mấy chữ : tình đồng đội . Lần đầu tiên trong đời, giữa đêm trừ tịch, tao thấy muôn vàn ánh sao rơi.
Mặt trời vừa ló dạng ở phương đông. Cả một khu rừng hoang liêu tĩnh mịch chập chờn trong sương sớm. Bình minh mà không một tiếng chim kêu. Im lặng đến rợn người, tao nằm bên này hồ nhìn sang, quận Thanh Bình phơi mình trong nắng ấm, khói vẫn còn vươn lên từ những đống tro tàn.
John hỏi tôi:
- Còn đám cố vấn Mỹ thì sao?
- Mày không đi lính thì làm sao mà hiểu nổi. Hãy tưởng tượng, hàng ngàn trái đạn pháo đủ loại chụp vào diện tích khoảng một cây số vuông, pháo binh một trăm lẻ năm ly trực xạ, sau hết là bom hai trăm năm chục cân Anh của chiến đấu cơ Phantom dội xuống với mục đích là san thành bình địa ngọn đồi, thử hỏi còn ai mà sống được. Ba ngày sau, tại quân y viện Ban Mê Thuột người ta cắt đi một cánh tay của tao vì bị nhiễm trùng quá nặng. Cùng lúc ấy tao biết được có bốn người cố vấn Mỹ chết. Tất cả binh sĩ trong đồn thì chưa tìm thêm được một ai ngoài ba đứa tao.

*
Dường như khuya lắm rồi, núi rừng cao nguyên ngủ say trong hoang lạnh, bếp lửa đã tàn chỉ còn lại những đóm than hồng âm ỉ cháy. Tôi dùng một nhánh cây gom những cục than vương vãi đó đây quanh bếp. John nói với tôi, giọng nói của ông ta nghe trầm trầm xa vắng:
- Mày tìm gì vậy?
- Tao kể cho mày nghe rồi.
- Một phần tư thế kỷ đã trôi qua, ngần ấy tháng năm chưa đủ khỏa lấp đau thương, uất hận trong mày hay sao?
- Với tao, đau thương và tủi nhục là một cái gia tài, tao gìn giữ nó làm của riêng và đem theo cho đến cuối cuộc đời.
- Định à, tại sao mày không quên quá khứ, sống cho tương lai như cô bé hướng dẫn viên du lịch dễ thương kia. Mày không thấy sao? Cô nhắc đến lịch sử với một niềm tin ngời sáng.
- Khi trận đánh năm xưa xảy ra, cô bé hướng dẫn viên nọ có thể còn nằm trong nôi hoặc chưa ra đời thì làm sao cô hiểu được quyền lực và lịch sử nằm trong tay người chiến thắng.
Một nửa gương mặt của John mờ mờ trong bóng tối, khiến tôi nghĩ đến một vị thần trong thần thoại cổ Hy Lạp. Janus là một vị thần có hai mặt, một mặt hướng về tương lai trong khi mặt khác nhìn về quá khứ. John nói mà đôi mắt như nhìn vào cõi hư không.
- Đêm đó, lực lượng phòng thủ trong quận ngoài đại đội của mày, một trung đội pháo binh còn có một trung đội cảnh sát dã chiến.
Tôi giật nẩy mình như chạm phải một giòng điện cao thế. Chỉ một phần trăm giây đồng hồ phản hồi, tôi thấy lại trung đội cảnh sát dã chiến năm xưa vẫn thường hay phối hợp với cố vấn Mỹ trong công tác dân sự vụ, đêm ấy họ trấn giữ mặt bắc của quận.
- Mày ... mày là?
- John
- Không, tao muốn nói mày là ...
- Tao là một trong bốn thằng cố vấn.
Tôi lắc đầu:
- Còn sống được sao?
- Chính tao là thằng gọi chiến đấu cơ Phantom từ đệ thất hạm đội đến . Ông ta cầm ống tay áo của tôi giật nhẹ – còn một điều tao muốn nói với mày, chừng đó bom của Phantom trút xuống quận Thanh Bình mà tao vẫn còn sống thì mày thắc mắc, băn khoăn làm gì chuyện thị trấn Lam Sơn giờ đây đã hoàn toàn đổi khác.

Huy Văn