QUÂN PHỤC ĐẠI LỄ CỦA THỦ ĐỨC

QUÂN PHỤC ĐẠI LỄ CỦA THỦ ĐỨC

HỊCH TRUYỀN

HỊCH TRUYỀN

THÁNG TƯ ÔM HẬN

THÁNG TƯ ÔM HẬN
Thơ VŨ UYÊN GIANG - phổ nhạc Lmst

Monday, November 28, 2011

Ơn Cứu Tử


Chiếc phản lực cơ Boeing 767 của hãng hàng không US Airways nhẹ nhàng chất cánh khỏi phi đạo khi hoàng hôn xuống và giữa lúc bầu trời kéo mây đen đặc,lác đác mưa rơi. Những hạt mưa chiều theo với đà tốc độ tăng nhanh của tầu đang bay vút dốc nghiêng lên cao,như giận dữ đập mạnh vào hai hàng cửa sổ tròn dọc thân tầu rồi kéo dài thật nhanh xuống dồn lại phía sau và biến mất như trò cút bắt của tuổi thơ.Bầu trời dưới kia thật ảm đạm mây mùa che khuất cả cảnh vật làm tôi và Hạnh hơi thất vọng vì không sao nhìn nhìn rõ được thành phố Orlando sinh hoạt về đêm.
Bốn hàng ghế chật ních đầy người, không còn chỗ trống. Như có sắp đặt trước, chúng tôi không ngồi gần nhau như mọi khi.
Khi máy bay đến cao độ an toàn và lấy bình phi, từ hàng nghế hạng nhất, Hạnh vén màn nhìn về phía sau đuôi là chỗ tôi ngồi hàng ghế ngoài, mỉm cười gật đầu và tôi khẽ đáp lại bằng một dấu hiệu nhà binh cố hữu: ngón tay cái bàn tay phải bóp lại và đưa lên cao. Trong suốt cuộc phi trình, chúng tôi liên lạc với nhau bằng máy vô tuyến vi-ba. Sau nhiều lần đắn đo suy nghĩ, chúng tôi đã quyết định chọn giải pháp này để đề phòng không tặc và tự cứu tối đa cùng hỗ trợ đồng hành khi có biến trên không.
Chuyến đi lần này đã được dự tính từ năm ngoái nên không thể đình hoãn được nữa. Hạnh và tôi rời Florida kỳ này để làm một cuộc hành trình dài từ miền Đông sang trời Tây Bắc để dự tiệc cưới của cháu gái anh chị Đai Úy Phi-công Đào Vinh Quang thuộc Phi đoàn 213 trực thăng,Sư Đoàn I Không Quân Đà-Nẵng năm xưa.
Kể từ sau ngày biến cố thảm sát “đại khủng bố“
(macroterrorism) ngày 11 tháng 9, 2011, chúng tôi đã hạn chế di chuyển bằng đường hàng không. Nhưng sự chống trả mãnh liệt và cương quyết một mất một còn với không tặc của phi hành đoàn và hành khách trong phi vụ 93 của hãng United Airlines và gần đây nhất trong phi vụ 63 của hãng American Airlines trên đường bay từ Paris qua Miami (được 2 chiến đấu cơ hộ tống buộc đáp khẩn cấp xuống Boston an toàn) đã làm chúng tôi bớt lo ngại vì ngày nay người Mỹ đã tỉnh ngộ và quyết liệt dứt khoát với bọn khủng bố nói riêng và hiếu chiến sát nhân nói chung. Còn nhớ lúc xưa, cố chuẩn tướng Nguyễn Ngọc Loan xử tử tại chỗ ở Chợ Lớn một tên đặc công Việt Cộng trong Tết Mậu Thân 1968 đã bị nhân dân Mỹ (có bọn cò mồi phản chiến giật dây) lên án nặng nề là vô nhân đạo.
Nhưng ngày nay mọi người đã đồng ý và hối hận đã nhận định nông nổi sai lầm. Cũng đễ hiểu, vì người Mỹ đã có nhiều bài học đắt giá với cộng sản. Hơn nữa, lần đi này chẳng đặng đừng được vì còn một lý do hạn hữu tế nhị khác: Đại úy Quang và gia đình là ân nhân hiếm có trên đời mà chúng tôi không thể từ chối được vì mãi đến nay – và chắc là suốt đời – chúng tôi chưa bao giờ đền đáp được công ơn cứu tử ấy. Đối với tôi anh Quang là người xa lạ vì khác binh chủng. Được biết sau khi tốt nghiệp học bay bên Mỹ về, anh được đổi ra phục vụ tại phi đoàn 213 gần 6 năm thì gặp lúc Đà-Nẵng “di tản chiến thuật“ ngày 29-3-1975, mạng sống của tôi chỉ còn như bánh bèo lênh đênh giữa giòng nước lũ, rất bấp bênh không biết trôi dạt vê đâu xa tít mù khơi. Chính lúc thập tử nhất sinh này thì tôi gặp Quang như là một phép lạ và anh sốt sáng chở tôi về Sàigòn ngay ngày hôm đó mà không cần biết tôi là ai.
Số là tối 28-3-1975, tại Tổng Y Viện Duy Tân, phải xuống hầm tránh mưa pháo của quân cộng sản Bắc Việt (CSBV) để điều hành tản thương sau khi được mật báo toàn thể Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn I đã bí mật di tản từ chiều, tôi được Th/Sĩ Dương Bức, Trưởng ban Quân xa cho hay là đã nhờ Tr/Sĩ Xê bên SĐIKQ xin giùm một chỗ để về Sàigòn. Ý kiến rất mơ hồ, giữa một tình thế vô cùng tuyệt vọng vì Đà-Nẵng hầu như đã bỏ trống từ chiều, sau khi Trung Tướng Ngô Quang Trưởng đã bỏ xuống tầu Hải quân bên Tiên Sa (Hải Vận Hạm HQ 404), nên tôi không mấy tin tưởng lạc quan lắm.
Thế rồi sáng hôm sau, Xê theo lời năn nỉ của Bức đã lái xe jeep qua bệnh viện Duy Tân đón tôi, chúng tôi chạy bán sống bán chết cho kịp qua cầu Trịnh Minh Thế, vượt sông Hàn (vì có tin CSBV sắp phá cầu thì coi như hết đường thoát) để kịp chuyến trực thăng cuối cùng của Đại úy Quang cất cánh rời Đà-Nẵng. Niềm hy vọng thoát được tử thần để sống sót về Sàigòn nhìn lại, gặp mặt Hạnh và 2 cháu nhỏ (mà Th/tá Đỗ Hữu Nho, Trưởng đoàn chuyển vận đã giúp đỡ gửi về Sàigòn trước đó 4 hôm bằng một chuyến phi cơ vận tải C.130. Sau này tôi mới được biết thêm là Th/tá Nho vào giờ chót đã thoát về Sàigòn bình an không phải bằng tầu bay mà bằng …đường biển !!! Ơ đời sao có nhiều chuyện tréo cẳng ngỗng vậy? Chúng tôi từ đây lại mang thêm một cái ơn cứu tử nữa, biết đến bao giờ mới trả được? Những ân nhân này từ lâu đã phiêu bạt mấy phương trời góc biển, biết đến bao giờ mới gặp lại nhau?).
Xê đã lái xe jeep xả hết tôc lực như bay vùn vụt qua cầu. Chúng tôi phải cúi rạp mình xuống để tránh màn lưới đạn đỏ rực như chụp xuống đầu xe chúng tôi, theo tiếng nổ từ mọi phí không biết đâu là bạn, đâu là thù,khi xe vừa qua khỏi cầu chưa đầy 30 giây thì một tiềng nổ ầm chát chúa như sấm động vang lên sau lưng chúng tội. không ai bảo ai, chúng tôi không dám quay đầu ngó lại và đồng loạt mừng thầm: “ Thật là hú vía, đã thoát khỏi điạ ngục trần gian rồi!”, và biết chắc chiếc cầu “thân thương trong bao nhiêu năm vươn cánh dài chắp nối đôi bờ thương nhớ“ giờ đây đã gẫy sập!!.
Khi chúng tôi đến phi trường Non Nước thì tầu anh Quang đang quay máy. Người bu đông lại như kiến. Dân sự, quân sự lung tung loạn xạ ngầu. Ai cũng tranh giành lên tầu. Tôi nghĩ bụng: “chắc là mình đến số mạt như đồ chó đẻ rồi!” Qua lời giới thiệu của Xê, anh Quang chưa tỏ thái độ gì vì đang nói chuyện với người tài xế chiếc xe bồn của hãng Shell vừa tiếp tế xong cho tầu và anh Quang đã bằng lòng chở hai người cháu của anh này về Sàigòn. Còn anh ta thì ở laị.
Từ xa về phía An Hải và BTL Hải Quân Vùng I Duyên Hải, có những đợt pháo kích hỏa tiễn của CSBV từ đèo Hải Vân xuống gây nên nhiều đám cháy, khói lửa cao một vùng càng làm cho mọi người lo lắng bâng quơ. Nhìn lên tầu,thấy gia đình anh chị Quang đã đầy đủ. Chị Quang bồng một cháu bé gái nhỏ, ngồi phía sau lưng người phi công phụ, cạnh một cháu trai lớn hơn (và bây giờ chắc là đám cưới của cháu gái này, 27 năm rồi còn gì?. Tôi tự nghĩ như vậy).
Tôi đứng lùi ra xa và thất vọng nghĩ cứ tình thế này thì mình sức mấy mà được về Sàigòn? Sau một hồi dùng dằng mãi, bỗng anh Quang với vẻ mặt cương quyết hơn bao giờ hết rút khẩu Colt 45 bên hông chiã thẳng vào đám đông đang ngơ ngác và dõng dạc ra lệnh: “Tất cả hãy đứng ra xa, nếu không tôi bắn! Không ai được phép lên tầu hết. Tầu đã chở nặng rồi, không bay đuợc…” Tiếp liền đó, Xê cũng lên đạn khẩu M.16 và bắn một loạt chỉ thiên như để phụ họa lệnh của Quang và áp đảo tinh thần bọn người lạ mặt. Một lát, Xê giận dữ chĩa thẳng mũi súng vào một tên quân nhân đào ngũ đang mon men đến gần, rồi văng tục chửa thề: “Đ.M. mày có đi ra xa không? Tao bắn bỏ mẹ mày bây giờ. Đất nước này mất, tụi tao suýt chết cũng vì những thằng như mày…Tao biểu… mày có đi không?.
Trước thái độ cứng rắn dữ tợn bất thường của Xê, mọi người đều tỏ vẻ sợ hãi, kể cả tên lính đảo ngũ kia, bắt đầu đám người lạ mặt từ từ giãn ra xa.
Một lát sau, Xê ôn tồn bảo tôi:
Bác sĩ cứ an tâm, cứ ở đây đi với tụi tôi.
Vừa lúc đó, anh Quang nhìn tôi, gật đầu ra dấu bảo lên tầu.
-Cho ông này lên tầu!
Tôi thở phào một cái nhẹ nhõm. Hình ảnh Hạnh với bao nỗi lo âu ngồi cạnh hai cháu Thu-Nhi và Hoàng-Mai trong căn phòng trống lạnh ở nhà anh rể tôi lại hiện ra đậm nét trước mặt tôi. Tôi nói thầm qua màn nước mắt ràn rụa vì qúa cảm động trước lòng tốt của một sĩ quan SĐIKQ mà tôi chưa hề quen biết đã cho tôi quá giang về Sàigòn mà không có điều kiện gì, trong lúc tranh tối tranh sáng này, vì tôi biết có những người bạn cũ vào giờ chót đã bị hất hủi, xua đuổi và không được giúp đỡ gì cả, đành bị kẹt lại, bỏ vợ con bơ vơ, rồi chết trong những vòng lao lý của lò luộc người tù cải tạo ngập đầy biển đắng men sầu: “Hạnh ơi, em cứ yên tâm. Anh đã gặp qúy nhân Thiên Thần: Chiều nay anh sẽ có mặt ở Sàigòn. Anh sẽ về với em mãi mãi chứ không phải “Anh về với em rồi anh lại đi” đâu. Tôi bỗng phì cười vì không hiểu sao lại còn đủ sức và bình tâm mà khôi hài đến thế? Tôi tự trách mình sao lúc nào cũng tếu được cả và nghĩ đến phút vĩnh biệt Đà-Nẵng.
Tôi Nghẹn ngào và mừng rỡ bước lên tầu anh Quang. Chị Quang lại qúa tử tế ngồi xích lại sát bên trong để nhường chỗ cho tôi. Lòng sốt sáng giúp đỡ tận tình của anh chị Quang đã lại thêm một lần nữa làm cho tôi quá xúc động cảm kích, nhất là trong những lúc này, khi tình đời đã lạnh nhạt. Duyên đời ấm lạnh. Thế thái nhân tình hững hờ.
Trời ơi! Tôi biết viết gì tuyệt vời hơn để diễn tả hết nỗi lòng ray rứt qúa cảm động của tôi lúc đó đối với tấm lòng tốt hiếm qúy của anh chị Quang, thái độ bao dung nghĩa hiệp, hành động cao thượng cứu tha nhân của phi hành đoàn trên con tầu sắp rời vùng đất chết, những người cuối cùng về từ miền đất chết.
Thiếu úy (không nhớ tên) phi công phụ đã quay lại nhìn tôi – trong lúc tay vẫn giữa chặt cần lái điều chỉnh cánh quạt quay với đôi mắt thật nhân từ - đôi mắt chan chứa tình người – mà mãi mãi đến nay tôi vẫn còn nhớ như in một kỷ niệm ngọt lịm tươi mát thời thanh xuân. Bởi vì không có thái độ bao dung đó thì không biết ngày nay tôi đã ra sao và chắc chắn không bao giờ có cơ hội về họp mặt hôm nay.
Ngòi bút của tôi qúa bất lực. Trong thị trường chữ nghĩa hôm nay, rất nhan nhản những ngòi bút vô liêm sỉ mất hết chức năng con người, mê muội đề cao những cái chết thối tha, thi vị hóa và thần thánh hóa một cách trắng trợn phi lý, vô nghĩa những tên Việt gian cò mồi hạng bét đã từng “chươi trộm đá chùng” những người anh hùng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã từng bảo vệ, bao che chúng trong suốt cuộc chiến, để chúng phè phỡn, nghênh ngang hội họp ăn nói vung vít ngày nay ở hải ngoại, mà không bao giờ thấy chúng đả động đến những nghĩa cử cao đẹp của những người vô danh đã từng âm thầm ban phát cho chúng. Thật đáng buồn !
Ngày nay, mỗi lần ôn lại chuyện cũ, chúng tôi không bao giờ cầm được nước mắt và mỗi lần cầm bút để hoàn tất trường thiên hồi ký của đời mình thì hình ảnh những ân nhân cũ lại hiện ra và tôi đã tôi nhắc lại không biết bao lần, thế mà vẫn chưa đủ những qúy danh như anh chị Đào Vinh Quang, Đỗ Hữu Nho, Bức, Xê… và những người còn lại trên chiếc trực thăng định mệnh kia không biết bây giờ trôi dạt đến phương trời nào? 27 năm rồi. Vào tù ra khám trong lò luộc người cuả CSBV, vật đổi đời tứ tung, kiếp người lưu vong lận đận, lênh đênh nổi trôi với hai bàn tay trắng dệt lại cuộc đời và làm lại từ đầu con người mới, xây dựng tương lai mới cho con cháu, chúng tôi đã bỏ nước ra đi sau những lần “vượt biên nhất chín nhì bù“ thế mà tâm nguyện đền đáp công ơn người ân nhân cứu tinh cũ vẫn chưa trọn vẹn. Lắm lúc tự an ủi mình, tôi thầm nhắc đến một câu triết lý rẻ tiền của một nhà mô phạm dở hơi Phương Tây để ngụy biện: “hăm hở trả ơn cũng là một sự bội bạc”. Thế rồi từ nhất định sẽ làm hôm nay đã biến thành “nhị định”, rồi tam, tứ định…” ngày lại ngày, tháng qua tháng, vẫn chưa hề thành tựu. Mãi đến nay, cái ngày đó vẫn còn như “vô định”. Vô định đến bao giờ? Tết Congo chăng? Cho đến hôm nay, dịp may ấy đã đến. Anh chị Quang đã cẩn thận gửi thiếp mời báo hỷ từ mấy tháng trước và thỉnh thỏang lại gọi điện thọai nhắc nhở cầm chừng. Anh Quang còn chu đáo hỏi giờ đến phi trường Seattle. Chúng tôi nghĩ đây là một dịp để tỏ lòng biết ơn của mình với mọi người, đối với bà con trong hai họ quen và lạ.
“Người ta không thể tắm hai lần trong một giòng sông” áp dụng vào trường hợp chúng tôi chỉ đúng một nửa. Bỏ Đà-Nẵng chạy về Sàigòn rồi bỏ nước ra đi mang nặng kiếp lưu đầy tha hương như “người Do Thái lang thang”. Chúng tôi hết mong ngày trở lại khi chế độ hà khắc “Xiết Họng Che Nanh” đang còn bóp cổ đè đầu dân lành, nhưng ngày gặp lại ân nhân cho dù xa cách ngàn trùng vẫn có cơ hội tái ngộ.
Chúng tôi đã vượt trùng dương về thăm anh chị Quang, anh chị Hốt, Ông Cụ, các cháu và nhất là gia đình Bảo rất sâu đậm cảm tình, năm xưa tôi là khách cuối cùng trên chiếc trực thăng vượt chết của anh Quang khi các phi trường Đà-Nẵng, Cù Hanh, Nha Trang bắt đầu đóng cửa thì hôm nay tôi và Hạnh là những người khách viễn phương trong ngày vui trọng đại của cháu gái.
Chạy thóat vùng tử địa như một điạ ngục trần gian để tìm về sinh lộ như cảnh thiên đường ở hạ giới. Ôi hai cảnh đời trái ngược, hai hoàn cảnh éo le lắm lúc đã làm cho người trong cuộc buồn hiu hắt, khi nghĩ đến thân phận trên đoạn đường đã qua.
Và chắc là thực khách – kể ca cô dâu – cũng không bao giờ ngờ được người “hành khánh bất đắc dĩ tốt số may mắn” năm xưa ngồi cạnh bé gái kháu khỉnh đang ru mình trong tay mẹ bây giờ lại ngồi đây trong một cao ốc rực rỡ ánh đèn mầu, giữa một rừng người lộng lẫy tao nhã?
…Sau một hồi trao đổ chuyện gẫu qua máy âm thoại, Hạnh và tôi đã ngủ thiếp đi trong tiếng động cơ trầm đều ở cao độ an toàn. Mãi đến khi đèn trong tầu bật sáng, chúng tôi mới giật mình nhìn lên thấy hộp đèn “buộc lại giây an toàn” chớp lia lịa thì mới biết là đã đến nơi và tầu sắp hạ cánh.
Tiếng động cơ giảm dần và tầu bắt đầu hạ cao độ để xuống thấp dần. Máp âm thoại trong sắc tay vang lên một điệu nhạc buồn quen thuộc. Tiếng Hạnh trong trẻo như bài thơ hoa đào:
-Anh, dậy thôi. Sắp đến rồi.
-Ôkê!
Chúng tôi đã quy ước và tìm ra một “chân lý mới” để chống không tặc mỗi lần di chuyển bằng phi cơ kể từ sau 11 tháng 9 / 2011: Không ngồi sát nhau như mọi lần mà ngôi riêng rẽ ở mũi và đuôi tầu. Thêm vào đó, trong thời gian qua, Hạnh và tôi đã theo học những lớp dậy võ tự vệ, những giờ huấn luyện nhu đạo và thái cực đạo về những thế cận chiến để bảo vệ và tự vệ, áp đảo và vô hiệu hóa những đòn tấn công của địch thủ. “Hãy tự bảo vệ mình trước đã” (protect yourself first) trước khi tìm đến công lý Mỹ. Đó là câu kinh nhật tụng của chúng tôi, một kinh nghiệm sống mà một ông Mục sư nọ đã từng rao giảng trong một bữa cầu hồn ngày chúng tôi mới đặt xuống phi trường O’Hare. Năm xưa, thầy Du đậy vạn vật cũng nói: đánh vào sinh điểm Flourence sau ót là chết.
Sau một hồi tròng trành vì áp lực khí quyển gia tăng vì cơn lạnh mùa đông vừa ập tới, con tầu 767 đã nhẹ nhàng lướt trên phi đạo phẳng phiu chạy đài như vô tận, giữa hai hàng đèn hiệu xanh đỏ nhấp nhánh liên hồi. Tôi nhìn đồng tay: 3 giờ sáng địa phương. Tôi lẩm bẩm:
Bây giờ Florida đã 6 giờ. Thiên Hương đang sửa soạn về Miami để thi ra trường. Mau thật!
Hành khách bắt đầu lục tục chuẩn bị hành lý xách tay và nối hàng để ra thông lộ. Ai cũng tỏ vẻ hân hoan mừng rỡ vì chuyến bay đã an toàn, mặc dầu buồn ngủ.
Ra khỏi tầu, Hạnh bàn với tôi, đổi ý: Thôi anh ạ, mình nên thuê xa về khách sạn nghỉ cho tự do chứ đừng phiền anh chị Quang lên đón làm gì . Nửa đêm mà đón với đưa gì cho mệt người ta. với lại nhà đang bận việc, không nên bầy việc thêm vô ích cho người ta. Anh nghĩ thế sao? Hơn nữa, em cũng muốn dành cho anh chị Quang một sự ngạc nhiên thích thú cho vui.
Nghĩ sao? Tôi còn biết nghĩ sao nữa? Xưa nay “lý lẽ của phái yếu bao giờ cũng mạnh cả” chứ không phải như một “nhà hiền triết” nào vốn xuất thân tư Quốc Học Huế từng phán “La raison du plus faible est toujours la pire” (lý lẽ của kẻ yếu bao giờ cũng xấu cả!) Vì thế tôi chỉ biết ngoan ngoãn gật đầu biểu lộ đồng tình cho yên chuyện. Bàn qua bàn lại chi cho thêm rắc rối phiền nhiễu về một chuyện nhỏ nhen lẻ tẻ không đi đến đâu. Nghĩ thế tôi bèn lặng lẽ giao hành lý cho Hạnh đứng canh và theo thang máy qua bên kia đường thuê xe Avis.
Chúng tôi về đến khách sạn gần đó, giữa phố, khi tuyết đã bắt đầu rơi nhẹ. Trời lạnh 20 độ âm. Xếp đặt hành lý và thay quần áo xong, Hạnh và tôi rã rời vì mệt nên vừa đặt lưng xuống giường nệm ấm là ngủ ngay một giấc cho đến sáng 9 giờ mới dậy, vì người bồi phòng lên báo cáo có khách đang chờ gặp ở văn phòng. Tôi nhìn Hạnh ngạc nhiên. Hai đứa nhìn nhau thật lâu ngầm tự hỏi không biết ai?
Khi xuống đến phòng khách, chúng tôi mới bật ngửa vì người khách lạ đó chí là anh chị Quang. Mừng rỡ sau một thời gian dài mới gặp lại, chúng tôi chỉ biết im lặng ôm nhau mà thổn thức.
Một lát sau, anh Quang mới trách:
-Sao đã giao ước trước mà đêm qua anh chị không gọi phone cho chúng tôi lên đón?
Tôi và Hạnh chống chế: tầu bị trễ 2 tiếng và vì đến đây khuya quá nên không muốn làm phiền anh chị… Tụi này cũng định dành cho anh chị một chút ngạc nhiên chơi.
Chờ hoài không thấy, chúng tôi gọi đến nhiều khách sạn trong vùng để kiểm chứng…Mãi sáng nay mới tìm ra được anh chị ở đây đấy. Thật là báo đời. Chắc tối nay phải bắt đền anh chị uống thật nhiều để bù lại mới được!
Chị Quang tiếp lời: Anh chị là người khách đặc biệt từ xa đến tối nay đấy. Vì anh viết báo cứ nhắc đến tụi này hoài nên nhiều người thắc mắc muốn nhìn thấy tận mắt tác giả là ai. Vì thế anh chị mà qua được là một điều vui sướng cho chúng tôi đấy. Tối nay chúng tôi sẽ giới thiệu với mọi người.
Tiếng người xướng ngôn viên dõng dạc trầm hùng trên bực máy vi âm sang sảng như tiếng chuông đồng:
-Kính thưa quí vị hiện diện. Để tranh thủ thời gian, chúng tôi xin phép hai họ và quí vị trân trọng kính mời Cụ cao niên thân phụ ông Đào Vinh Quang đại diện họ nhà gái lên khai mạc buổi dạ tiệc cưới hôm nay.
Căn phòng rộng bỗng sáng rực lên như hội hoa đăng với những tràng vỗ tay ròn rã. Mọi người đồng loạt đứng lên như để chào đón một nhân vật quan trọng.
Một tràng vỗ tay nữa lại vang lên khi cụ thân sinh anh Quang vừa dứt lời. Tiếp theo là thủ tục giới thiệu họ hàng thân quyến hai bên nhà trai và nhà gái như thường lệ và sau cùng là phần trình điện chú rể và cô dâu với quan khách. Những tràng pháo tay vang dội náo động hội trường tiếp nối mãi bất tận tưởng chừng không bao giờ dứt.
Tiếp theo là phần nhập tiệc với những món ăn thuần túy Việt Nam ba miền, xen lẫn với những màn trình diễn văn nghệ thuần túy cây nhà lá vườn.
Khi buổi tiệc gần tàn, tôi bỗng được mời lên phát biểu ý kiến vì là người khách viễn phương độc nhất đã bay từ Đại Tây Dương qua Thái Bình Dương để chia sẻ nỗi vui mừng với họ nhà gái.
Tôi ngỡ ngàng chậm trãi bước lên diễn đàn với bao nỗi nghẹn nghào.
-Kính thưa hai họ, kính thư qúi liệt vị, kính thưa gia đình anh chị Quang. Thật là một vinh dự lớn lao cho riêng cá nhân tôi, tối hôm nay được bộc lộ nỗi niềm biết ơn cứu tử của tôi đối với lòng bác ái vị tha của đại úy Đào Vinh Quang thuộc Phi đoàn 213 Song Chùy đã cứu giúp tôi vào lúc tuyệt vọng vô phương trông cậy, nhờ vả vào những cấp lớn mà tôi tường quen biết trươc đó, trong hoàn cảnh thật kinh hoàng, xáo trộn vào những giờ phút cuối cùng di tản khỏi thành phố Đà-Nẵng, mạng sống con người lúc đó thật mong manh,mật mạng như chơi.
Một người mà tôi chưa hề quen biết, nhưng đã hết lòng giúp đỡ tận tình đưa tôi về Sàigòn sum họp gia đình trên chuyến tầu chót của anh, khi Đà Nẵng thất thủ ngày 29 tháng 3 năm 1975, nếu không có ngày hôm đó thì chắc chẳng bao giờ tôi được hân hạnh may mắn ngồi đây… Hai mươi bẩy năm qua rồi, trên bước đường lưu vong, tôi chưa có gì đền đáp lòng tốt của anh Quang mà dẫu có một gia tài ngàn vàng đồ sộ cũng không bao giờ đổi được.
Tôi vừa nói đến đó thì khựng lại vì tắc nghẹn, thổn thức, đứng im như pho tượng, gục đầu xuống ngất xỉu vì cảm động qúa. Hai hang nước mắt tuôn ra dầm dề như hòa nhịp với cơn mưa tuyết vừa đổ xuống ngoài trời.
Anh chị Quang vội lên dỡ tôi xuống và dìu vào ngồi ở hang ghế bên trong.
Hạnh thấy vậy liền lên máy vi âm tiếp lời để mọi người khỏi hiểu lầm:
Chúng tôi thành thật xin lỗi qúy vị đã kể lại một câu chuyện buồn, một “ơn nặng tình sâu” mà từ bao lâu, hễ mỗi lần nhắc lại là không cầm được nước mắt. Nhưng đó là chuyện thật, một kỷ niệm hãn hữu mà chúng tôi nguyền ấp ủ suốt đời.
Và chúng tôi nghĩ rằng nếu hôm nay không được bộc lộ ra thì sẽ không bao giờ có dịp nữa. Xin tạ lòng thông cảm của qúi vị quan khách,hai họ, và đại gia đình anh chị Quang. Trân trọng cám ơn qúi vị.
Mọi người giữ yên lặng, trầm ngâm, không một tiếng động, như cùng để lòng lắng xuống để hình dung ra những cảnh chạy loạn, di tản trong những ngày đầu năm 1975. Cả phòng tiệc im lặng như tờ một lúc lâu.
Rồi như trong giấc mơ, tôi nghe tiếng chuyển động ở các hàng ghế và mọi người không ai bảo ai lặng lẽ đứng lên cáo biệt ra về.
Giây phút cuối cùng đã dành cho chúng tôi một bất ngờ thú vị: Cô dâu đã tự động đến cài lên ngực áo Hạnh và tôi một đóa hoa hồng nhung thơm ngát. Ngoài trời, cơn mưa tuyết đã dứt. Bấu trời như sáng hơn. Tôi tưởng tượng mùa xuân đang về đâu đậy.
Phụng Hồng
Winter Park, Florida

No comments:

Post a Comment