QUÂN PHỤC ĐẠI LỄ CỦA THỦ ĐỨC
HỊCH TRUYỀN
THÁNG TƯ ÔM HẬN
Tuesday, November 15, 2011
Tình đầu
Huy Văn
Tôi càu nhàu với anh bạn:
- Hút thuốc lá là chuyện phiền toái lắm rồi, anh còn chọn cái hiệu Benson & Hedges khiến chuyện trở nên rối rắm hơn, làm ơn hút thuốc Marlboro hay Winston có được không?
Bạn tôi trả lời, chắc như đinh đóng cột:
- Ngày xưa tại sao anh cưới vợ anh? Cưới cô khác được không?
Tôi nghe bạn nói mà tưởng mình đang ngậm trái bồ hòn.
- Thôi được rồi, bây giờ anh ngồi đây kêu cà phê và một gói Marlboro cho tôi, tôi sẽ đi lại cái chợ ở góc đường mua thuốc cho anh.
Trước khi đi tôi còn cố vớt vát chút đỉnh:
- Mà nè, cả chục năm rồi, tôi với anh ngồi ở quán cà phê Loan có sao đâu, bỗng dưng hôm nay anh lại kéo tôi đến đây. Có đi tới đâu thì dân nghiện thuốc mhư bọn mình cũng chỉ cà phê vỉa hè mà thôi.
Tôi đi dọc theo hè phố về phía chợ, sáng thứ Bẩy chẳng có gì phải gấp gáp, cứ nhẩn nha mà đi. Từ xa tôi đã thấy dăm ba bà bán rau tươi ngồi trước cửa chợ, hình ảnh khá quen thuộc đối với người Việt ở thủ đô tỵ nạn, quen đến nỗi nếu thiếu mấy bà bán rau trước cửa thì ngôi chợ hình như mất hẳn sinh khí.
Tôi không dám vơ đũa cả nắm, nhưng có lần tôi tình cờ thấy một bà cụ bê rổ rau từ sau cốp xe Mercedes đời mới đến ngồi trước chợ bán. Cậu con, (tôi đoán vậy) thừa biết rằng nếu gặp buổi chợ đông, mua may bán đắt, bán hết rổ rau cũng không đủ tiền xăng cho chiếc Mercedes 8 máy uống xăng như rồng hút nước, chưa kể chuyện cái sân cỏ xanh tươi được cắt tỉa gọn gàng phía sau nhà bị bà cụ thuê người cuốc lên để trồng đủ thứ nào là rau đay, rau muống, hành, hẹ, bầu, bí,...
- Mua rau đi ông!
- Cà pháo mới hái, trong chợ không có đâu!
Vừa định bước vào chợ, tôi lặng người quay đầu nhìn lại một lần nữa cho rõ, có phải chị ngồi đó bên cạnh mớ rau mồng tơi hay không? Bao nhiêu năm rồi gương mặt, đôi mắt, sống mũi ấy đã chiếm một chỗ không nhỏ trong trái tim của tôi. Thời gian qua có làm đổi thay ít nhiều, vết chân chim lờ mờ nơi đuôi mắt, mái tóc điểm vài sợi bạc, làn da không còn mơn mởn như độ nào, thế nhưng cái nốt ruồi Cindy Crawford trên khóe miệng là một đặc điểm khiến tôi tin chắc rằng mình không thể nào lầm lẫn.
Mồ côi mẹ đã là một mất mát lớn cho tôi, ba tôi vì bận công việc làm ăn, lấn cấn với cái cảnh gà trống nuôi con cho nên ông gởi tôi vào nội trú ở Đà Lạt. Cuộc sống kỷ luật khắt khe của nội trú khiến tôi hụt hẫng, nỗi đau mất mẹ chưa nguôi đã kéo theo cái buồn vắng cha, ba tôi vẫn còn đó thế nhưng tôi cứ ngỡ mình mồ côi cha lẫn mẹ.
Tôi lớn lên trong lẻ loi đơn độc, cằn cỗi như một cây khô giữa sa mạc hoang vu, nắng cháy. Như một cây xương rồng, tất cả lá đều biến thành gai để chống lại sự thoát nước, tôi sống thu mình trong thế giới nhỏ bé của riêng tôi mà trong đó hai chữ gia đình nghe chừng như xa lạ không có thực ở ngoài đời.
Mùa Hè năm ấy, như thường lệ, tôi có 3 tháng để trở về sở trà của ba tôi ở làng An Mỹ, một cái làng nhỏ cách Bảo Lộc khoảng 15 cây số. Tôi bám riết theo ông như hình với bóng, bất kể nắng mưa hay sương gió, rong ruổi cùng ông trên chiếc xe hơi thùng cũ rích còn sót lại từ thời Pháp thuộc chạy xuyên qua những đồi trà bạt ngàn, xanh ngắt trải dài đến tận cuối chân trời.
Tôi thích chiếc xe thùng, khoái tiếng máy nổ như bò rống của nó. Chiếc xe như con ngựa chứng đang chạy ngon lành nó có thể hộc lên vài tiếng rồi nằm lì ra đó. Gặp những dịp may như vậy, tôi lăng xăng như gà mắc đẻ. Tôi muốn chứng tỏ cho ba tôi biết là tôi có thể giúp đỡ ông trong mọi công việc với chút hy vọng hão huyền là ông sẽ không gởi tôi vào nội trú nữa.
Một buổi chiều nọ, khi tôi và ba tôi từ đồn điền trở về, ông vui vẻ kể cho tôi nghe những khó khăn, nhọc nhằn khi phải chăm sóc một đồn điền, từ lúc cây trà còn là hột giống trên cây cho đến khi lá trà được xấy khô rồi... rồi... ông nín bặt.
Trước sân nhà tôi, bốn chiếc xe vận tải lớn, rải rác chung quanh kẻ đứng người ngồi có đến vài chục, tôi đọc được mấy chữ kẻ dọc theo thân xe: “Đoàn Cải Lương Mai Lan” . Tôi thắc mắc:
- Chuyện gì vậy ba?
Hình như ba tôi còn nóng lòng hơn tôi, ông đạp mạnh thắng, vội vàng tắt máy xe rồi đi thẳng vào nhà quên cả tôi và quên luôn việc phải đóng cửa xe. Khi tôi vào đến nhà đã thấy ba tôi đang ngồi nói chuyện với khách.
Ông khách nói năng nhỏ nhẹ, lịch sự và lúc nào trên môi cũng sẵn một nụ cười. Câu chuyện xoay quanh vấn đề xin cho đoàn hát được tạm trú trong nhà một thời gian chờ cho người về Sàigòn mua cơ phận thay thế cho một chiếc xe vận tải của đoàn hát bị hư. Sửa xe xong, đoàn sẽ lên đường lưu diễn ngay không dám làm phiền thêm nữa.
Ba tôi nhồi một ít thuốc vào cái ống píp, ông bật que diêm nhưng lại không mồi thuốc, thong thả hỏi:
- Đoàn hát có bao nhiêu người?
- Vào khoảng năm chục.
Ba tôi thả que diêm vào cái gạt tàn rồi chỉ vào kho chứa trà rộng mênh mông:
- Tưởng nhiều chứ vài chục thì chuyện cũng dễ, căn nhà đó chứa được hơn trăm người, chỉ sợ anh chị em nghệ sĩ chê là không được tươm tất.
Không để cho khách kịp có ý kiến, ông pha trò:
- Chỉ ở thôi, không có bao ăn đâu nghe!
Khách tươi cười:
- Xin cảm ơn ông nhiều, chúng tôi nào dám nghĩ đến cái chuyện đã được voi lại còn đòi thêm tiên.
Trước khi cáo từ trở ra sắp xếp chỗ cho đoàn hát, khách tặng ba tôi hai tấm vé hạng nhất của xuất hát tối hôm sau tại hội trường của làng.
- Chỉ là hình thức thôi, ông là khách danh dự của đoàn hát, lúc nào chúng tôi cũng dành sẵn hai ghế hạng nhất cho gia đình ông.
Lúc bắt tay tiễn khách, cha tôi nói thêm:
- Cũng xin lưu ý với ông dân số trong làng nếu tính luôn cả công nhân đồn điền chưa đến một nghìn, ông liệu có bao nhiêu người đi coi hát?
- Chúng tôi cũng biết chứ nhưng vì hoàn cảnh đẩy đưa, thực lòng mà nói nếu không trình diễn tuần sau cả đoàn hát sẽ lâm vào cảnh khó khăn, thôi thì chẳng thà bói rẻ còn hơn ngồi không.
- Ông hơi quá lời, nghệ sĩ có chỗ đứng của nghệ sĩ, lối so sánh của ông nghe không được ổn cho lắm.
Giọng nói của khách chừng như chùng xuống xen lẫn chút xót xa:
- Cám ơn ông, cũng là nghiệp dĩ mà thôi, người nghệ sĩ hát rong lấy gió sương làm nhà, rày đây mai đó làm bạn và sống nhờ vào sự thương yêu mến mộ của đồng bào, chúng tôi đâu dám nhận là mình có chỗ đứng riêng của mình.
Ngồi ở hàng ghế đầu nhưng tôi vẫn nghe rõ ràng những lời bàn tán xôn xao về cô đào trẻ đẹp Mai Lan thủ vai Triệu Tử Long.
- Mười tám tuổi mà đã là đào chánh.
- Nói bậy, tao vừa hỏi người bán vé lúc nãy, đúng hai mươi tuổi rồi.
- Nè, im đi cho người ta xem với.
Cả hội trường sống theo câu chuyện. Họ im lặng, nín thở khi Triệu Tử Long đơn thân độc mã vượt phá trùng vây, hò hét để khuyến khích khi thấy Triệu Tử Long máu nhuộm đỏ chiến bào quỵ một chân xuống đất, tay bồng ấu chúa tay chống trường thương, tình cảnh bi thương nhưng hào khí ngất trời.
Tôi không ngờ cải lương hay đến độ khiến tôi mê mẩn tâm thần, mê luôn đôi mắt vẽ xếch ngược lên trời của cô đào Mai Lan.
Đêm hát kế tôi khóc ngon lành khi cô đào Mai Lan trong vai Cúc Hoa ngồi bắt chí cho hai con bên ngôi mộ lúc nửa đêm về sáng. Tôi không nghĩ rằng mình đang coi cải lương bởi vì những nhân vật trên sân khấu diễn xuất thực quá, thực đến nỗi bao nhiêu nước mắt nhớ mẹ tích tụ suốt mấy năm nội trú được dịp tuôn tràn. Tôi khóc chán chê rồi mới giật mình dụi mắt nhìn quanh, thì ra không phải chỉ một mình tôi khóc, cô đào Mai Lan đã khiến cho nhiều người thương tâm, sụt sùi rơi lệ.
Suốt đêm hôm đó tôi mơ mơ màng màng trong giấc ngủ chập chờn.
Quen với nếp sống nội trú, tôi thức dậy sớm định đun cho ba tôi một ấm nước sôi, đang lui cui với mấy thanh củi. - Em nhỏ, chị muốn mượn à ...à..., em đang làm gì vậy?
Tôi nhìn lên, cô đào Mai Lan đứng sau lưng tôi tự lúc nào. Ngạc nhiên lẫn thích thú, vui mừng quá sức khiến tôi đâm ra vụng về, lúng túng nói không nên lời. Ở ngoài đời cô hoàn toàn khác hẳn trên sân khấu, không phải một Triệu Tử Long oai phong lẫm liệt vượt ngàn nguy biến đem ấu chúa về với Hán vương, cũng không phải bà mẹ Cúc Hoa đầy đau thương, khổ lụy của đêm hôm qua mà trước mặt tôi cô đào Mai Lan xinh đẹp, dịu dàng.
- Em chỉ muốn đun ấm nước sôi.
- Tội nghiệp chưa, nhìn em lóng cóng với mấy thanh củi là chị đã biết rồi, để chị giúp cho.
Chị vừa chất những thanh củi vào bếp vừa nhìn tôi với đôi mắt to tròn, đen láy, cái nhìn đầy trìu mến khiến tôi như ngộp thở, khi ngọn lửa đã cháy đều chị hỏi tôi:
- Em cần giúp gì nữa không?
- Dạ không.
Chị nhìn ra ngoài cửa ra chiều suy nghĩ, ngón tay trỏ để lên môi chống hờ vào chiếc mũi xinh xinh.
- Em có muốn ăn sáng với chị không?
Tôi nghe nhưng chưa kịp hiểu thì chị đã nói tiếp:
- Đợi chị một chút.
Chỉ một thoáng sau, chị trở lại với chiếc rổ trên tay trong khi tôi vẫn còn ngẩn ngơ như ốc mượn hồn.
- Chị em mình ăn sáng chung cho vui, có trứng gà ốp-la, bánh mì, chỉ tiếc là thiếu cà phê.
- Nhà có cà phê mà chị.
Bây giờ đến lượt chị lấn cấn, lọng cọng, chị loay hoay với chảo dầu, ấm nước. Tôi được ăn bánh mì cháy xém một góc, trứng ốp-la chín như luộc. Đôi má của chị ửng hồng không biết vì sức nóng của bếp lửa hay ngượng ngùng vì món ăn chị nấu. Chị nói với tôi mà như tự trách mình:
- Chị có biết nấu ăn bao giờ đâu. Tráng cái trứng cũng không xong, chị em mình coi bộ giống nhau quá.
Căn phòng bỗng dưng ấm cúng vô cùng, cái hàng rào vô hình xa lạ ngăn cách giữa tôi và chị không còn nữa. Chị khuấy ly sữa đặc, nhấp thử một chút, thêm tí cà phê.
- Vừa uống rồi đó em.
Tôi vụng về nhận ly sữa nơi tay chị. Hạnh phúc đến với tôi quá bất ngờ khiến tôi sợ nó tan biến đi lúc nào không biết. Tôi ăn uống chậm rãi như đang thưởng thức món ăn chị nấu. Thực ra tôi chỉ muốn kéo dài thời gian ở bên chị.
Tôi nhớ lại những bữa ăn trong nội trú, hai dãy bàn ăn dài thăm thẳm, muỗng, nỉa, ly, chén lạnh ngắt, lạnh như gương mặt ông giám thị đứng ở đầu phòng.
- Em đang nghĩ gì vậy? Uống đi kẻo sữa nguội hết.
Tôi bưng ly sữa lên, hỏi chị câu hỏi ngu ngơ chẳng đâu vào đâu:
- Lúc sáng chị hỏi em, chị muốn mượn cái gì?
- Thôi, không cần nữa đâu em.
Tối hôm sau, khi biết tin đoàn nghỉ hát một đêm, tôi lân la qua kho chứa trà, chỗ đoàn hát đang trú ngụ. Một người trong đoàn hỏi:
- Em tìm ai?
Tôi biết mặt mình đỏ như trái gấc, tôi mắc cở vì sợ người khác đọc được ý nghĩ của mình, đang lúng túng, ngượng ngùng tôi chợt thấy nhẹ nhõm, chị đi đến bên tôi:
- Cơm nước gì chưa?
- Dạ em ăn rồi.
Tôi nói láo ngon ơ.
- Ngồi đây chơi đợi chị mặc thêm chiếc áo ấm, lát nữa chị em mình đi dạo. Hôm nay rằm đó em có biết không?
Rằm hay mồng Một không phải là chuyện khiến tôi bận tâm.
- Khi nào đoàn hát sẽ lên đường vậy chị?
- Chờ sửa xe xong sẽ đi.
- Độ bao lâu nữa?
- Chị không rõ, chắc không lâu đâu.
Tôi biết rằng khi chiếc xe chưa sửa xong thì tôi vẫn còn có chị.
Trăng đã lên phía sau rừng, mặt trăng tròn tựa như một tấm gương ngà tỏa ánh sáng dịu dàng, lành lạnh lên khắp vườn trà, những lá trà xanh thẩm phơi mình dưới ánh trăng trong. Trăng sáng đến độ tôi có thể nhìn rõ bên kia quốc lộ những đồi trà nối tiếp nhau, chập chùng uốn lượn theo triền dốc như một tấm thảm nhung xanh loang loáng ánh trăng vàng.
Chị dẫn tôi đến nơi chiếc ghế đá trước sân ngồi ngắm sao trời. Bầu trời không một gợn mây trong đó vài vì sao lấp la lấp lánh, giữa không gian bao la tĩnh mịch chị thì thầm kể cho tôi nghe câu chuyện cổ tích của sao hôm và sao mai. Bất ngờ chị hỏi tôi:
- Em có biết mỗi vì sao là hiện thân của một người trên trái đất này không?
- Nếu sự thực là như vậy thì ngôi sao nào đứng một mình sẽ là của em.
- Đừng nói vậy, em không cô đơn đâu, em còn có cha, có gia đình, bạn bè, trong khi chị không cha, không mẹ được ông Bầu xin chị từ một viện mồ côi về làm con nuôi. Bao nhiêu năm rồi, cuộc sống của chị nổi trôi theo đoàn hát, buồn vui tùy thuộc vào cảm tình của khán giả ban cho. Đã nhiều lần chị cố hình dung gương mặt của cha mẹ chị nhưng đành chịu vì khi chị bắt đầu biết được có sự hiện diện của mình trên cõi đời này thì chị đã ở trong viện mồ côi. Hình ảnh của cha mẹ chị bây giờ vẫn còn mờ mịt trong cõi nhớ xa xăm.
Đưa tay vén mớ tóc lòa xòa trên trán, chị quay sang tôi:
- Em có lạnh không?
- Dạ có.
- Ngồi xích lại đây cho ấm.
Giọng nói của chị đầy xúc động:
- Em à, những tâm hồn cô đơn thường dễ hòa chung thành một.
Dưới ánh trăng vàng, đôi mắt của chị long lanh như những ánh sao, chớp tắt sau hàng lông mi dài, cong vút. Chị ca cho tôi nghe những bài vọng cổ buồn đến não ruột. Tôi mơ màng chìm vào giấc ngủ êm đềm mà trong đó giọng ca ngọt ngào truyền cảm của chị trầm xuống bên tai: - Bởi sa cơ giữa chiến trường thọ tiễn cho nên Võ Đông Sơ đành chia tay vĩnh viễn Bạch Thu Hà.
Ngày đoàn hát lên đường, trước khi đi chị ôm chặt lấy tôi hôn nhẹ lên má. Tôi ngửi được mùi thơm thoang thoảng ấm nồng của da thịt từ người chị truyền sang.
- Gắng học giỏi nghe em trai cưng, có dịp lưu diễn ở Đà Lạt chị sẽ ghé thăm.
Tôi đứng yên trong lòng chị mặc cho cảm xúc dâng tràn.
Những năm sau đó, mỗi khi hè đến tôi không muốn trở lại sở trà của ba tôi mặc dù tôi rất nhớ ông. Mãi cho đến năm đậu xong tú tài, trước khi vào lính tôi mới trở về.
Nhìn ngôi nhà đứng một mình bơ vơ trong nắng chiều hiu quạnh, chiếc ghế đá trước sân mà đêm trăng năm nào tôi ngồi bên chị vẫn còn đó, cảnh cũ còn đây nhưng chị thì đã phiêu bạt phương nào, lẩn quẩn đâu đây, mơ hồ trong gió giọng nói ngọt ngào, êm ái của chị - em trai cưng- .
Tôi để cho nước mắt của mình chảy xuôi theo dĩ vãng. Không biết mình có lầm lẫn giữa sân khấu và cuộc đời, giữa tình chị em và tình yêu trai gái hay không? Nhưng tôi biết chắc rằng ở một nơi nào đó, tận cùng trong trái tim tôi hình bóng cô đào Mai Lan với đôi mắt đen lay láy, chiếc mũi xinh xinh và cái nốt ruồi trên khóe miệng, muôn đời không bao giờ phai lạt trong tôi.
Tôi ngồi bệt xuống đất bên cạnh mớ rau mồng tơi.
- Rau bán pao hay bó?
Hỏi để mà hỏi, tôi chỉ muốn nhìn chị thật gần, thật kỹ và hy vọng chị nhận ra tôi.
- Xin lỗi chị, tôi thấy chị hơi quen, ngày xưa chị ở đâu?
- Ở Việt Nam.
Tôi suýt cười thành tiếng khi nghĩ rằng chị nói đùa.
- Ở Việt Nam nhưng mà ở tỉnh nào?
- Sài-gòn, Cần Thơ, Vũng Tàu. Đúng rồi Vũng Tàu, nơi ấy có nhiều tàu vượt biên, mà ông nè chỗ ấy bọn hải tặc cũng nhiều lắm, coi chừng đó!
Đôi mắt của chị không thần, không sắc, hình như chị đang sống ở một thế giới khác chẳng dính líu gì đến cuộc đời này mà cũng chẳng thiết tha gì đến thực tại. Tôi hơi ngạc nhiên hỏi chị:
- Hải tặc ở Vũng Tàu?
- Ừ, bọn nó đông lắm.
- Chị có biết Bảo Lộc hay Đà Lạt không?
- Không, tôi đi từ Vũng Tàu mà.
- Chị nhận ra em không?
- Ông là ai?
Tôi hoàn toàn tuyệt vọng, người đàn bà trước mặt tôi không phải là chị. Tất cả chỉ là do cái trí nhớ tồi tệ của mình mà thôi. Người giống người cứ cho là vậy đi nhưng còn cái nốt ruồi trên khóe miệng thì sao? Trước khi bỏ đi tôi cố gắng xác định một lần cuối cùng.
- Chị Mai Lan, nhớ em không?
- Mai Lan, Mai Lan nào?
Khi nói xong hai chữ Mai Lan, gương mặt và đôi mắt của chị biểu lộ sự sợ hãi tột cùng, chị đưa hai tay ôm lấy đầu, nép sát vào chân tường. Cái lối phản ứng tự vệ của người yếu đuối, thế cô khi phải đương đầu với bạo lực.
Không còn gì phải suy nghĩ, tôi đã nhận lầm người. Tôi nhặt một bó rau, mở ví lấy tiền.
- Bao nhiêu một bó?
Bà bán rau ngồi bên cạnh nói vọng sang:
- Đưa cho cô ấy hai tờ một đồng, cô ấy không biết thối lại tiền đâu.
Lòng thảnh thơi, nhẹ nhõm, tôi ôm bó rau mồng tơi trở lại quán cà phê nơi anh bạn của tôi đang ngồi chờ gói thuốc. Đi được vài bước, tôi còn nghe loáng thoáng mấy bà bán rau trò chuyện với nhau, chỉ là chuyện vô thưởng vô phạt đối với họ.
- Coi bộ khật khùng như vậy chứ khi mà xuống sáu câu vọng cổ, Võ Đông Sơ Bạch Thu Hà, tôi dám cá với bà, nếu đem so với cải lương chi bảo ở hải ngoại thì chưa biết mèo nào cắn mỉu nào.
HUY VĂN
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment