QUÂN PHỤC ĐẠI LỄ CỦA THỦ ĐỨC
HỊCH TRUYỀN
THÁNG TƯ ÔM HẬN
Tuesday, October 19, 2010
Vợ Lính Thời Chinh Chiến...
Vợ Lính Thời Chinh Chiến...
Lời Giới Thiệu (Giao Chỉ - San Jose): Tác giả bài viết này là một phụ nữ sinh trưởng ở Bàu Trai, miền Đông Nam Phần. Đây là một địa danh mà các quân nhân từng hành quân ở vùng 3 chiến thuật đều quen biết. Từ câu chuyện tình đơn sơ, một thiếu nữ hiền lành trở thành người vợ lính thời chiến. Đời sống gia binh, người chồng chuẩn bị đi hành quân, tiếng khóc của góa phụ nhà kế bên, tiếng xe Jeep của chàng trở về chạy trên sân sỏi, tiếng súng đêm đêm vọng lại, những lần từ biệt vội vàng, các chuyến về thăm nhà bất chợt giữa các trận đánh. Người vợ lính với 20 năm khắc khoải, hạnh phúc đếm từng ngày để đến lúc tan hàng lại tiếp tục lo cho chồng đi cải tạo. Chúng ta đã từng đọc các trang sử chiến tranh của nam nhi thời binh lửa. Bây giờ xin một lần đọc để thông cảm cho những giọt lệ của phụ nữ VN trong vai trò vợ lính thời chinh chiến.
Trong các chị em gái của gia đình, tôi là đứa con gái nhút nhát nhất. Tôi không thích xem phim chiến tranh, sợ nghe tiếng súng nổ, nên tôi không mong muốn lấy chồng nhà binh như phần đông các cô gái khác thích những chàng trai trong bộ quân phục oai hùng. Có lẽ tôi chịu ảnh hưởng của Ba tôi. Ba tôi là viên chức hành chánh, ông thường than phiền một số sĩ quan trẻ ngang tàng và lái xe ẩu.
Một đêm khuya sau Tết Mậu Thân năm 1968, chúng tôi nghe tiếng gõ cửa, Ba tôi cẩn thận đuổi chị em tôi vào phòng, đóng cửa kỹ lại. Ông bỏ cây súng nhỏ vào túi quần và ra mở cửa. Một sĩ quan trẻ tuổi mặc rằn ri vào xin cho binh sĩ đóng quân trong khu vườn nhà tôi và cho cấp chỉ huy của họ ở tạm trong phòng khách. Lúc đó Ba tôi mới yên tâm biết là đơn vị đi hành quân về đến đây tìm chỗ nghỉ quân.
Lính ở đầy trong khu vườn nhà tôi nhưng không phá phách gì như một số người đồn đại. Riêng vị sĩ quan ở trong phòng khách nhà tôi với cái ghế bố nhà binh nhỏ bé, nằm khiêm nhượng ở một góc phòng. Cuộc sống gia đình tôi không có gì thay đổi khi có mặt vị sĩ quan này. Chúng tôi lịch sự không đi tới lui trong phòng khách. Ban đêm thỉnh thoảng chúng tôi nghe những câu hát vu vơ hoặc vài câu vọng cổ của các người lính trẻ than thở nhớ gia đình và người yêu. Chúng tôi thông cảm và thương mến họ hơn.
Dần dần ba mẹ tôi có cảm tình với vị sĩ quan chỉ huy. Những lúc rảnh rỗi, ông đến nói chuyện hoặc được ba tôi mời ăn cơm gia đình. Ông sĩ quan này mượn phòng khách để làm nơi hội họp của bộ chỉ huy, nhờ thế gia đình tôi quen biết thêm vài sĩ quan nữa. Câu "quân dân như cá nước" là đúng, chúng tôi thân tình rất mau, có những bữa ăn hoặc những buổi tối ngồi chung để xem ti vi thật vui vẻ. Quan niệm không tốt về nhà binh, cảm giác sợ sệt những người lính chiến trong bộ quân phục rằn ri không còn nữa.
Cũng nhờ dịp đơn vị dừng quân, tôi đã gặp nhà tôi sau này. Anh là một trong các sĩ quan trẻ của đơn vị. Chúng tôi biết nhau qua sự giới thiệu của vị sĩ quan quen thân với gia đình như đã kể trên. Một thời gian sau chúng tôi thương nhau và anh xin làm đám hỏi sớm để còn lên đường đi hành quân. Có lần anh nói, gia đình hối thúc cưới vợ, nhưng "Đời lính tác chiến xa nhà, ra đi không chắc có ngày trở lại, cưới vợ chỉ làm khổ cho người đàn bà." Và anh không muốn vướng bận thê nhi trong thời ly loạn. Sau đó anh đi hành quân liên tục, thỉnh thoảng tôi chỉ nhận được thư. Hơn một năm sau đơn vị anh về đóng quân tại Biên Hòa gần Sài Gòn, đây là dịp tiện lợi để chúng tôi tổ chức đám cưới.
Tôi theo chồng về ở căn nhà trong trại quân đội. Bây giờ tôi cảm thấy hạnh phúc nhất, ngoài gia đình cha mẹ thương yêu, tôi còn có người chồng tính tình trầm tĩnh, hòa nhã với mọi người. Sau những ngày nghỉ phép cưới vợ, anh trở lại cuộc sống nay đây mai đó, anh đi ba bốn tháng mới về một lần hoặc lâu hơn tùy tình hình chiến sự.
Khi anh chuẩn bị đi hành quân tôi không hề biết trước nhưng dễ nhận ra ngay. Tôi thấy những binh sĩ làm việc với anh lăng xăng dọn dẹp chuẩn bị quân trang. Nhưng tôi vẫn mong mình nghĩ lầm. Anh trở về nhà gương mặt đượm nét quan trọng, ít nói với tôi hơn. Bận rộn với giấy tờ, điện thoại và dặn dò người này người kia liên tục. Tôi hiểu anh không có thì giờ để nghĩ đến gia đình. Tôi không quấy rầy anh, tôi luôn luôn nhớ lời dạy bảo của ba tôi trước khi tôi đi theo chồng: "Con đừng bao giờ xen vào công việc của chồng con." Ăn cơm tối xong anh tiếp tục chuẩn bị tài liệu. Tôi buồn vì sắp phải xa chồng, không biết làm gì hơn là ngồi sau lưng anh, áp má vào sau lưng anh im lặng. Anh làm việc đến gần nửa đêm, xong anh kêu tôi lại ghế salon ngồi, anh dặn dò mọi việc ở trong nhà, có buồn trở về nhà cha mẹ chơi, nhất là phải cất kỹ tờ giấy hôn thú. Tôi hiểu anh muốn ám chỉ điều gì, tôi nghe lòng tê tái. Tôi có bao giờ nghĩ đến mười hai tháng lương tử tuất để thành góa phụ! Không, tôi chỉ cần chồng tôi. Sau đó chúng tôi chỉ ngủ được vài giờ. Ba giờ sáng trong sân trại rầm rộ tiếng xe, tiếng nói ồn ào của lính. Trong cảnh lờ mờ tối, tôi nhìn ra sân thấy những người lính, lưng đeo ba lô nặng nề, đầu đội nón sắt. Trong số đó sẽ có người không trở lại. Quang cảnh này trái hẳn với những ngày đại lễ, những người lính trong bộ quân phục thẳng nếp, tay cầm súng đi diễn hành rất đẹp.
Khi chồng tôi bắt đầu mặc áo giáp, đeo súng ngang hông, lòng tôi tê tái, có một cái gì đó làm cho tôi bất động, chỉ biết nhìn anh và im lặng. Sau cùng anh đội nón sắt và đưa tay vỗ vào má tôi nói: "Thôi anh đi". Anh không có những cử chỉ âu yếm hơn, những lời từ giã nhiều hơn như những lần anh đi làm việc bình thường hay đi ăn cơm với bạn bè. Anh sợ làm tôi khóc. Tôi muốn nói anh cố sớm trở về với em, nhưng càng dặn dò càng đau lòng trong buổi chia tay. Tôi cố gắng không cho nước mắt trào ra. Tôi nhìn anh thật kỹ, để hình ảnh anh in sâu mãi trong lòng tôi. Tôi thầm nghĩ, không biết lần này anh có còn trở về không? Không thể chờ xe anh khuất bóng, tôi chạy vội vào giường khóc nức nở. Cảnh này cứ diễn đi diễn lại trong cuộc đời làm vợ lính của tôi. Có lần tôi nói với anh, khi đi hành quân cho em biết trước để em chuẩn bị tư tưởng cho đỡ sợ. Nhưng có lẽ vì bí mật quân sự hoặc cuộc hành quân gấp rút, anh chẳng bao giờ chiều tôi chuyện đó.
Mỗi lần nghe có tin đơn vị anh đụng độ lớn tôi chỉ biết vào phòng âm thầm cầu nguyện, lo sợ gặp những sĩ quan đến báo tin buồn. Có lúc anh về thăm tôi thình lình. Mừng rỡ không được kéo dài bao lâu lại nghẹn ngào vì anh ra đi sớm hơn lời hứa. Một buổi chiều anh về và nói chiều mai mới đi. Tôi vui mừng vì trưa mai vợ chồng tôi sẽ có chung bữa cơm với nhau. Nhưng đến tối có tiếng điện thoại, anh nghe xong nói với tôi sáng sớm mai anh phải đi. Thế là mất một đêm hạnh phúc, chỉ có tiếng than thở và tiếng nức nở của tôi.
Khi tôi có thai được sáu tháng, lúc đó anh đóng quân tại Bến Tre, anh biết gia đình tôi có quen thân với ông bà bác sĩ tại Mỹ Tho. Anh hẹn gặp tôi tại đó để anh đến thăm vì từ Bến Tre chỉ qua một cái phà là đến Mỹ Tho. Anh cho biết sẽ ở chơi từ trưa đến chiều mới đi. Sáng ngày ấy ba tôi chở tôi xuống Mỹ Tho, sẵn ba tôi thăm lại người bạn cũ. Tôi gặp anh ngượng ngùng mắc cỡ với cái áo bầu khoác ngoài. Tuy là vợ chồng nhưng ít khi sống gần gũi nhau nên đối với anh đôi khi tôi vẫn còn e thẹn. Sau khi chúng tôi hàn huyên được nửa giờ, chúng tôi dùng cơm trưa, tuy có mặt ba tôi và hai ông bà bác sĩ nhưng tôi cũng cảm thấy hạnh phúc lắm. Bữa cơm chưa xong, chồng tôi có máy truyền tin gọi trở về đơn vị, vậy là anh lại đi ngay. Tôi tiếp tục dùng cơm, nhưng món ăn trở nên lạt lẽo, dầu bà bác sĩ nấu rất ngon. Thương con, ba tôi cáo biệt về Sài Gòn sau buổi cơm. Trên xe ông nhìn tôi và vuốt tóc thông cảm.
Một đêm tôi đang ngủ bỗng giật mình thức giấc bởi tiếng khóc thảm thiết của bà hàng xóm, tôi vội đến cửa sổ nhìn ra ngoài để xem chuyện gì xẩy ra. Bên ngoài đêm tối yên tĩnh bị đánh tan bởi tiếng khóc của người vợ trẻ vừa được tin chồng tử trận ngoài chiến trường, cùng đi hành quân chung đơn vị với chồng tôi. Chị khóc lóc, kêu gào, gọi tên chồng nhưng chồng chị sẽ mãi mãi không trở về nữa. Tôi trở lại giường nằm nhưng không ngủ được, tôi thương cho người đàn bà góa phụ kia và lo sợ cho bản thân mình. Sáng hôm sau người vợ trẻ đầu phủ khăn tang, gương mặt xanh xao cùng với bà mẹ già đi lãnh xác chồng theo sau hai đứa con khoảng ba, bốn tuổi, đầu chít khăn trắng. Chúng nó vô tư không biết gì, thật ra ba chúng đi hành quân luôn, ít khi ở nhà. Bây giờ không có lời an ủi nào làm chị vơi được nỗi buồn, chỉ mong thời gian sẽ hàn gắn vết thương lòng của chị mà thôi. Sau này chị kể, chị nghe tiếng chim cú kêu chiều hôm đó, chị nghĩ có điều xui rồi. Tôi không bao giờ tin dị đoan, tôi không xem bói vì thầy bói nói vui tôi không tin, nói buồn tôi phải bận tâm lo lắng, nhưng bây giờ tôi lại sợ tiếng cú kêu.
Một chị bạn quen, chồng cũng là bạn thân với chồng tôi, nhà ở trong cư xá đối diện, với ba đứa con nhỏ. Chồng đi hành quân không chắc có ngày về, tinh thần của chị ngày càng suy nhược, cộng thêm những lần thay mặt gia đình đi dự đám tang qúa nhiều bạn bè thân thiết bị tử trận. Tinh thần đã sẵn yếu, ngày càng trở nên suy sụp. Lúc ở Việt Nam, bác sĩ phải cho uống thuốc an thần. Sau này may mắn được di tản qua sống ở Mỹ nhưng rồi cũng không tránh khỏi bệnh nan y Alzheimer, chị hoàn toàn mất trí, thể xác trông cậy vào người chồng thủy chung, ngày xưa là người chỉ huy chiến trận tài ba, bay giờ biến thành người y tá tận tụy và hy sinh nhẫn nại cho người vợ tao khang, quen biết từ thuở còn niên thiếu.
Ngày tôi sanh cháu bé, chồng tôi được nghỉ phép, anh ở hẳn trong nhà thương với tôi, mặc cho những lời dị nghị của các cô bác theo xưa cho như vậy là không tốt là bị "mắc phong long". Mấy ngày sau tôi rời nhà thương, anh được lệnh đi hành quân tại Campuchia. Nhìn anh đi tôi khóc mãi vì nghe tin đồn ở Campuchia thường bị "Cáp duồn". Mẹ tôi khuyên "Con mới sanh khóc như thế không tốt đâu". Nhưng tôi đâu nào nghĩ đến sức khoẻ của tôi, tôi lo cho anh và không muốn con tôi mất cha. Hàng ngày bận bịu nuôi con, nghĩ đến anh tôi chỉ biết cầu nguyện.
Đến năm 1973 chồng tôi chuyển sang làm việc hành chánh, mặc dù ở đâu cũng là phục vụ cho nước nhà, nhưng anh không thích lắm. Riêng tôi vui vẻ hơn vì đây là dịp mẹ con tôi được sống với anh hàng ngày. Tại đây anh vẫn phải đi xuống thăm các quận thường xuyên. Đã có các sĩ quan thỉnh thoảng bị chết vì địch phục kích dọc đường, cho nên tôi vẫn tiếp tục lo lắng cho anh. Ngày này qua ngày khác, mỗi buổi chiều tôi nghe chiếc xe lăn bánh trên con đường đá sỏi vào cổng là tôi biết anh đã bình yên trở về. Có những chiều anh về rất muộn, tôi không yên tâm được, vào phòng ngồi bất động âm thầm cầu nguyện. Tình thương đã khiến tôi rất thính tai, tiếng cổng mở cửa từ xa tôi đã nghe được, lúc đó tôi mới thở phào nhẹ nhõm, đi ra ôm lấy con và cùng nhau ra đón ba nó.
Có những đêm pháo kích tôi sợ quá, một tay ôm choàng lấy con, một tay nắm chặt tay anh, nhưng sau khi đợt pháo kích đầu tiên đã chấm dứt, anh phải vội vã từ giã mẹ con tôi để băng qua cửa hông nhà đi xuống hầm trung tâm hành quân, hầu tiện việc chỉ huy yểm trợ các đơn vị đồn trú địa phương. Muốn cho chồng luôn được bình yên và tôi bớt đi nỗi lo âu để yên tâm làm việc nội trợ, một hôm tôi đưa cho anh xâu chuỗi mà vị linh mục đỡ đầu đã cho anh ngày rửa tội. Tôi nói "Anh nhớ luôn bỏ xâu chuỗi này vào túi áo mỗi ngày anh đi làm việc, để có Chúa phù hộ anh và em đỡ lo lắng cho anh." Tôi biết đàn ông tánh không chu đáo lắm nên tôi nói thêm "Anh thương em hãy nhớ lời em dặn."
Ngày tháng cứ thế trôi qua, chiến sự càng ngày càng sôi động, cho đến một ngày mẹ con tôi từ giã anh, trở về ở với ngoại, để anh không phải bận tâm gia đình. Chúng tôi từ giã đời sống gia binh. Lần này tôi cũng nhìn anh rất kỹ và niềm hy vọng gặp lại anh ít hơn.
Khi cuộc sống của người vợ lính thời chiến chấm dứt thì những ngày nghiệt ngã mới lại bắt đầu. 30/04/75 đã chấm dứt cuộc đời binh nghiệp của chồng tôi và anh đi tù với mười ba năm cải tạo. Riêng tôi, ngoài trách nhiệm nuôi chồng, nuôi con, nỗi lo âu vẫn còn và sự mong đợi chồng về mỏi mòn hơn.
Sau cùng, nhờ ơn trên, nhà tôi đã trở về. Anh vẫn còn giữ xâu chuỗi ngày xưa đã cùng anh sống trong ngục tù với những chỗ bị đứt đã nối lại và rơi mất một hạt.
Hơn hai mươi năm làm vợ lính thời chiến, 13 năm vợ tù cải tạo của thời bình, là người con gái ở miền quê Bàu Trai, tôi có làm gì đâu mà suốt đời chỉ sống với nước mắt.
Chiến tranh đã cướp mất tuổi thanh xuân của bao nhiêu người vợ trẻ. Chỉ còn lại Việt Nam, một quê hương điêu linh, một dân tộc bất hạnh triền miên trong chiến tranh và nghèo khó.
Thôn Nữ Bàu Trai
Tháng Tư 2004
(Mến tặng Anh Chị Đỗ Sơn)
Tuesday, October 5, 2010
TỪ GIÃ ĐỜI BAY BỔNG
Từ Giã Đời Bay Bổng
Tháng 4 lại trở về, đã hơn 30 năm trôi qua, ngồi nghĩ lại mà cứ ngỡ chuyện vừa xảy ra ngày hôm qua. Tôi xin gởi đến anh em Không Quân câu chuyện mà chắc rằng ai trong chúng ta cũng đã có ít nhiều kỷ niệm khó quên trong đời quân ngũ.
Từ tháng 1,1975 tình hình chiến sự miền Nam đã bắt đầu đi đến giai đoạn thảm khốc, Cộng Sản (CS) tấn công kháp nơi, Ban Mê Thuột, Phước Long... đã mất vào tay CS. PD255, Xà Vương, ứng trực chuẩn bị giải vây Phước Long, tôi được biết mình có tên trong hợp đoàn sẽ về tiếp cứu Phước Long... khiến tôi nhớ lại Mùa Hè 72. Vào năm đó tôi phục vụ Phi đoàn 211, Thần Chùy, chúng tôi đã tham dự chiến trận giải vây An Lộc. Trận chiến rất cam go, hàng ngày đều có vài phi hành đoàn Trực Thăng, Khu Trục rớt tại chiến trường An Lộc, rất may mắn phi đoàn 211 không mất một phi hành đoàn nào mặc dù tất cả phi cơ đều bị trúng đạn không thể xử dụng cho cuộc đổ quân. Tôi còn nhớ cố Thiếu Tướng Ánh đã bay từ Cần Thơ cùng với tướng Lành, Tư lệnh phó Không Quân, đến Lai Khê để an ủi và khích lệ tinh thần anh em phi đoàn 211. Thật cao quý thay tấm thịnh tình của các cấp chỉ huy, và trước ngày hết hạn biệt phái, chúng tôi được tin tướng Ánh đã tử nạn trong phi vụ câu chiếc L19... tại Cần Thơ, xin một phút mặc niệm đến vị chỉ huy khả kính, anh cả ngành trực thăng.
Phi vụ biệt phái giải vây và tiêp cứu Phước Long giờ chót đã hủy bỏ, tôi và các bạn lại tiêp tục bay bổng như xưa... ngày đi hành quân, đêm về trực bay chống pháo kích... Tôi có cô bạn gái tên T. (bây giờ là bà xã), nhân viên Tòa Lãnh sự Hoa Kỳ tại Cần Thơ, cho tôi biết Hoa Kỳ sẽ bỏ miền Nam và T. cùng gia đình đã có tên rời khỏi Việt Nam. Tôi không tin vì vùng IV chiến thuật vẫn còn yên lành, quân lực VNCH đang chiến đấu anh dũng....hàng ngày T. gọi điện thoại cho biết tin tức tại sở làm và có cho tôi biết: "Cô đã xin xếp (boss) Hoa Kỳ cho tôi được phép đi cùng nếu tôi muốn"... Tôi hoang mang, lo sợ không biết phải quyết định ra sao? Gia đình cha và anh em tôi sống tại Vũng Tàu. Thỉnh thoảng tôi có liên lạc điện thoại với gia đình, và được biết gia đình vẫn bình an tôi cũng đỡ lo. Một hôm tôi gặp T. ,và tôi đã trả lời cho T: "Tôi sẽ không ra đi... tôi ở lại chiến đấu với anh em, tôi đã có kế hoạch lo cho tôi và gia đình". Thật ra lúc đó tôi chẳng có kế hoạch hay phương cách gì cả, tôi trả lời cho T. được an tâm mà di tản cùng với gia đình.
Và những chuỗi ngày kế tiêp, tôi có gặp T. tại nhà và T. đã nói : "Anh không đi chắc em cũng không đi". Ôi tình yêu của T. đối với tôi tha thiết quá, khiến tôi càng khó xử thêm. Từ tháng 2, 1975 Không Quân không còn yểm trợ Bộ Binh như xưa, các phi hành đoàn trực ra check tàu rồi nằm chờ. Đêm đến căn cứ báo động thực tập chống pháo kích... ngày nầy qua ngày nọ chán ôi là chán!!!
Cuối tháng 3,1975 các phi đoàn trực thăng vùng I và II di tản về phi trường 31 tạo nên một khung cảnh hỗn độn và phức tạp... tăng thêm nỗi hoài nghi về cuộc chiến chống CS trong lòng tôi. Những phi đoàn trực thăng 211, 217, 225, 227 và 255 thuộc SD 4 KQ với những phi vụ yểm trợ SD 21 BB và các đơn vị bạn vẫn ngày đêm hành quân bảo vệ vòng đai Cần Thơ. Có những đêm tôi bay gunships, trực chính tại sân cờ căn cứ 40 chiến thuật, hoặc trực phụ thì ngủ đêm tại Sở 4 an ninh , ngoài vòng đai phi trường 31, phòng khi VC pháo kích, tấn công căn cứ và phi hành đoàn trực chính không cất cánh được thì phi hành đoàn trực phụ sẽ cât cánh yểm trợ. Tình hình chiến sự miền Nam càng ngày càng bi đát thêm, khiến tôi và các bạn thêm hoang mang, lo sợ không biết phải hành động ra sao? Những bạn bè di tản từ vùng I, II nhìn chúng tôi với đôi mắt kỳ lạ mỗi khi chúng tôi vác túi bay, áo giáp ra tàu bay hành quân. Trong khi bay thì chúng tôi nghe trên tần số UHF/Guard các phi hành đoàn bạn rời thành phố bay ra biển tìm Hạm đội 7 Hoa kỳ để đáp...người tìm được, kẻ thì hết xăng... giã từ bạn bè... ôi còn cảnh nào buồn hơn nữa.
Khoảng trung tuần tháng 4, 1975 bọn CS đêm đêm pháo kích vài trái đạn vào thị xã Cần Thơ, khiến tôi càng lo cho T. và gia đình vì nhà T. gần dinh Tư lệnh Quân đoàn IV. Một hôm tôi đến thăm T. tại nhà và tôi đã khuyên: " Em hãy rời khỏi Việt Nam, anh sẽ lo liệu cho thân anh, vì nếu em còn ở lại Cần Thơ thì khó cho hai đứa lúc tình hình nguy ngập". Sau cuộc thăm viếng nầy, T. gọi điện thoại cho biết sẽ về Saigon lo thủ tục rời Việt Nam với gia đình và có hứa sẽ gửi thơ về thăm tôi... Tôi chúc T. và gia đình đi bình an và đừng bận tâm nhiều về tôi, tôi sẽ tự lo liệu cho tôi??? Thú thật tôi cứ nghĩ miền Nam sẽ có giải pháp Trung lập... thì tại sao phải ra đi? Vả lại trọn gia đình tôi vẫn sống an lành tại Vũng Tàu, nếu có ra đi tôi sẽ mang cả gia đình cha, anh, chị, em đi cùng. Trong khi ở Saigon, T. thường gọi điện thoại cho tôi... T. lại nhắc chuyện rời Việt Nam với T. thì điện thoại bị gián đoạn. Lần cuối T. điện thoại từ giã để vào tòa đại sứ Hoa Kỳ rời Việt Nam, một lần nữa tôi chúc T. và gia đình lên đường bình an.
Rồi đến việc Dinh Độc Lập bị dội bom, TT. Thiệu từ chức... khiến tôi thêm hoang mang và lo lắng. Một hôm đi bay yểm trợ quân bạn xung quanh Cần Thơ, về phi trường Cần Thơ đổ xăng, khi vào chỗ đổ xăng thì thấy bên cạnh có chiếc trực thăng đang đổ xăng chở đầy các tướng Không Quân ông nào cũng có sao trên cổ áo... tôi và phi hành đoàn không màng chú ý và lo đổ xăng tiếp tục phi vụ, sau nầy được biết chiếc trực thăng đổ xăng đưa các tướng rời Việt Nam.
Đêm 28/4/75 tôi bay gunships, trực chính bảo vệ phi trường Cần Thơ. CS pháo kích vào Cần Thơ, tôi và XV14 cất cánh về hướng quận Bình Minh tìm bọn CS để "trả đũa". Chúng tôi đã làm "câm họng" bọn CS. Nghe đâu đêm 28 hoặc 29/4 các gia đình Không Quân được CH.47 đưa ra Côn Sơn tạm trú??? Riêng phần tôi, độc thân, con bà phước nên được "chiếu cố bay bổng" liên miên nên chẳng có thời giờ để theo dõi tin tức chiến sự.
Việc gì đến rồi sẽ đến, ngày 30/4/75, phi trường Cần Thơ đóng cửa....Ngày đó tôi "lead guns", XV 11 "lead slicks", XV 55 bay C&C trong phi vụ yểm trợ TrD 32/SD21BB hành quân tiêp ứng quận Cờ Đỏ. Chúng tôi trình diện tại sân bay Navy, Bình Thủy vào lúc 9:00 AM . Trong lúc chờ đợi, tôi có gặp Đ/t Biết, Trung đoàn Trưởng Tr.Đoàn 31/SD21BB và ông có nói : "Sao mấy thằng Không Quân tụi mầy còn ở đây không đi? Ngày mai 1/5 tụi nó sẽ vào tiếp thu", tôi nhìn ông và trả lời: " Đ/t không đi thì làm sao tụi tôi đi đươc". Cùng lúc đó Tr/u B, gun số 2, mang bản đồ và rủ tôi cất cánh đi Cà Mau, đổ xăng rồi bay sang Mã Lai. Tôi cảm thấy phiêu lưu quá nên từ chối và có nói : "Từ từ đâu còn có đó." Chúng tôi hợp đoàn cất cánh chở lính và đổ quân xuống quận Cờ Đỏ, trên đường bay "slicks" bị CS bắn, XV11 thông báo và "guns" đã yểm trợ hữu hiệu trên đường bay cho anh em "slicks" không còn bị đe dọa bởi những tiếng súng"vu vơ" của bọn CS. Trong lúc bay, tôi để tần số "Guard"/UHF để nghe và theo dõi tình hình anh em KQ, thì đột nhiên nghe Paddy gọi: "Thần Báo,Thần Chùy, Xà Vương" đây Paddy,
"Paddy Xà Vương tôi nghe" tôi trả lời.
"Yêu cầu Xà Vương qua tần số FM xx.xx để liên lạc" Paddy yêu cầu.
Tôi chuyển qua tần số FM và cố gắng liên lạc nhưng không được nên tôi gọi Paddy :"Paddy tôi không liên lạc được ai trên tần số FM nầy cả". Chợt có tiếng nói từ tần số "Guard" :" Xà Vương, tôi là ALO tại Sóc Trăng gọi, nhờ bạn xuống cứu chúng tôi đang bị CS tấn công". Tôi vội gọi và thông báo tin nầy đến C&C, và cùng lúc đó anh xạ thủ nghe Tổng Thống Dương Văn Minh, qua đài phát thanh Saigon, ra lệnh đầu hàng vội báo cho tôi được rõ. Tôi liền thông báo đến XV55, C&C ,và XV55 cho lịnh "slicks" và "guns" thả lính tại phi trường Navy, về Cần Thơ đổ xăng chờ lịnh. Khi hợp đoàn hành quân bay ngang phi trường Trà Nóc, tôi gọi đài để xin bay ngang phi đạo với cao độ thấp thì không ai trả lời cả... về phi trường Cần Thơ định vào đổ xăng thì thấy các phi cơ cất cánh tùm lum...vô trật tự, và tôi thấy một vài chiếc trực thăng vừa cất cánh đã rớt.... Tôi bay cao độ khoảng 500 bộ trên phi đạo, anh xạ thủ yêu cầu tôi bay "cao cao" vì sợ khẩu súng đại liên 30mm đặt tại đài kiểm soát nổ súng bắn hạ. Tôi nói "Mình có súng miniguns mà sợ gì".
Với cảnh rối loạn và phi cơ cất cánh vô trật tự, chắc chắn là hợp đoàn không thể đổ xăng tại phi trường Cần Thơ được, nên tôi gọi XV11 hãy cùng tôi bay về phi trường Vị Thanh đổ xăng. "Slicks" bay thấp trên kinh Xà No, "guns" bay hai bên yểm trợ để tránh pháo binh vì lúc nầy tôi không liên lạc được với Paddy. Trong khi bay xuống phi trường Vị Thanh, tôi chợt nhớ lại không anh em nào có mang phiếu đổ xăng thì làm sao đổ xăng. Tại vùng IV, trực thăng đổ xăng tại các phi trường nhỏ thì phải ký phiếu xăng sau khi đã đổ xăng tại điểm tiếp liệu do các anh Bộ binh kiểm soát. Vì vậy khi gần đến phi trường Vị Thanh, tôi gọi XV11 và anh em trong hợp đoàn hành quân hãy bình tĩnh đừng làm những gì khiến anh em tại trạm xăng nghi ngờ và chúng ta không có xăng để đi Côn Sơn, nếu cần tôi sẽ dùng gunships uy hiếp và sau đó anh em sẽ đón tôi sau. Khi vào ụ đổ xăng, anh Trưởng Trạm Tiếp liệu chạy xe Honda đến gặp tôi (vì tàu tôi đậu ụ thứ nhất) và hỏi: " Sao mấy ông xuống mà không thông báo"? Tôi vội trả lời: " Lịnh Quân đoàn xuống đây đổ xăng đi giải vây tiếp cứu tỉnh Sóc Trăng, anh hãy mở vòi xăng lẹ lên".
Hợp đoàn đổ xăng đầy đủ, anh em nào muốn về Cần Thơ đón thân nhân thì về, phần còn lại theo XV11 và tôi đi Côn Sơn. Trên đường ra Côn Sơn, chúng tôi có bay ngang tỉnh Sóc Trăng, chúng tôi thấy thành phố Sóc Trăng đang chìm trong lửa khói... thật đau lòng vì mình không đủ khả năng tiếp cứu... xin một lời tạ lỗi với quân, cán chính, tỉnh Sóc Trăng!!! Chúng tôi đã liên lạc được với XV33,44,13, chúng tôi cố gắng liên lạc với XV 55, C&C , để thông báo tin tức của hợp đoàn hành quân cũng như tình hình tại phi trường Cần Thơ... nhưng gọi mãi không ai trả lời. Sau nhiều lần cố gắng liên lạc với XV 55... cuối cùng chúng tôi đáp tại Côn Són và đó cũng là phi vụ cuối cùng trong đời bay bổng của tôi...
HUỲNH VĂN CHỪNG
Trích trang web Cánh Thép
http://www.canhthep.com
Monday, October 4, 2010
AN LỘC NGÀY VỀ
An Lộc Ngày Về
Lời nói đầu : Xin tặng anh em phi đoàn 211 và anh em binh chủng Nhảy Dù đã anh dũng chiến đấu bảo vệ An Lộc khỏi tay bọn CS.
Nói đến chiến trường An Lộc, mùa hè đỏ lửa 1972, không ai trong chúng ta mà không biêt hay không có một vài kỷ niệm khó quên. Thời gian đó, tôi phục vụ phi đoàn Thần Chuỳ 211 thuộc vùng IV Chiến Thuật. Vì chiến trường An Lộc quá nặng nề và khốc liệt, nên chúng tôi (phi đoàn 211) được biệt phái lên vùng III Chiến Thuật để tăng cường lực lượng phòng thủ và giải vây An Lộc; nếu An Lộc mất thì thủ đô Saigon sẽ bị uy hiếp trầm trọng.
Sau khi đáp tại phi trường Biên Hoà, chúng tôi có dịp gặp lại anh em trực thăng thuộc Sư đoàn III Không quân những người hoa tiêu ra trường tại căn cứ Ft. Hunters, Savannah, GA năm xưa. Ngày hôm sau, chúng tôi hợp đoàn hành quân gồm: 1 C&C, 5 t/t đổ quân, và 2 t/t võ trang trình diện tại phi trường Lai Khê. Tại phi trường nầy, chúng tôi thấy anh em Nhảy dù đang ngồi hai bên đường bay, và tôi đã gặp lại hai anh bạn sĩ quan Nhảy dù đã học cùng trường Trung Học Vũng Tàu ngày xưa đó là Đ/U Minh, Th/U Chiến thuộc tiểu đoàn 8 Nhảy dù . Vào khoảng 9giờ sáng, chúng tôi được biết phi vụ ngày hôm nay là đố Lữ đoàn I Nhảy dù vào giải vây An Lộc và bốc thương binh về phi trường Lai Khê. Tôi và hai anh bạn Nhảy dù chia tay về vị trí hành quân. Qua cái xiết tay thật chặt, chúng tôi chúc cho nhau:
"Chiến trận ác liệt, cẩn thận, hẹn gặp mầy sau..." Tôi không ngờ lời chúc cho nhau đã trở thành lời vĩnh biệt vì sau nầy tôi được biết Th/U Chiến (khoá 23 VBĐL) đã hy sinh trong lần đổ quân nâỳ.
Ngày hôm đó tôi ngồi co-pilot t/t võ trang (gunships) cho Tr/U Tạo (sau nầy anh bay cho Tư lệnh quân đoàn IV cho đến ngày 30/4/75) . Chúng tôi hợp đoàn cất cánh lấy cao độ khoảng 5,000 bộ để tàu C&C bay ngược chiều từ An Lộc ra Lai Khê nhìn thấy chúng tôi vì C&C bay cao khoảng 10,000-12,000 (tránh phòng không và SA-7). Trên đường bay anh Tạo dặn tôi:
"Khi vào vùng đổ quân mầy nhớ follow controls (nắm tay vào cần lái điều khiển phi cơ) với tao nha!". Tôi rất ngạc nhiên vì thông thường khi trưởng phi cơ bay thì co-pilot chỉ có nhiệm vụ trả lời vô tuyến, hay vặn nút bắn rockets hoặc guns khi vào bãi đáp... nhưng hôm nay anh Tạo lại cho tôi "rờ" vào controls... tôi bèn hỏi lại anh:
"Chi vậy", anh trả lời:
"Nếu tao bị bắn lúc bay, mầy chụp controls, mang xác tao về!!!!!" Trời ơi! Nghe sao "lạnh cẳng quá". Tôi thường bay chung với anh trong những trận chiến khốc liệt tại vùng IV, nhưng chưa bao giờ anh nói với tôi những lời "trăn trối" như vậy.
Trên đường bay từ Lai Khê đến Chơn Thành (điểm hẹn gặp C&C), tôi có nói hai anh em bắn miniguns thử súng, nếu có trở ngại thì có thời gian để sửa chữa vì khi vào vùng mà bị kẹt đạn thì chỉ có "cầu nguyện" mà thôi. Tôi còn nhớ anh xạ thủ ngồi bên trái sau lưng tôi là anh Tân (Tân tây lai) một tay súng rất gan dạ đã cùng chúng tôi vào sinh ra tử nhiều lần nên chúng tôi rất tin tưởng nơi anh. Sau khi được hai anh cho biết hai khẩu miniguns thử tốt OK, chúng tôi rất an tâm với hai khẩu súng nầy bọn Vẹm khó mà ngóc đầu lên để bắn chúng tôi ở cao độ thấp.
Đến Chơn Thành, theo lịnh của C&C, hợp đoàn hành quân hạ cao độ thấp bay trên đầu cây cao su với tốc độ tối đa. Dẫn đầu hợp đoàn là hai chiếc guns của Biên Hoà, rồi đến t/t đổ quân, và sau cùng là hai guns chúng tôi (Thần chuỳ 211). Tôi còn nhớ bay tàu C&C ngày đó là Th/t Lê văn Lộc (Lộc bụng) phi đoàn 211(1), và một vị Th/t của một phi đoàn t/t tại Biên Hoà (rất tiếc tôi không nhớ tên). Xin được nói một chút về phi hành đoàn bay chiếc C&C nầy . Thông thường phi hành đoàn bay C&C hoa tiêu của phi đoàn nào thì bay cho phi đoàn đó, nhưng trong trưòng hợp nầy vì chúng tôi từ vùng IV lên tăng cường vùng III không quen đia hình địa vật vùng III và tránh bi thiệt hại nặng nên ban chỉ huy hành quân ngay đó đã biệt phái vị Th/t từ vùng III bay chung với th/t Lộc .
Xuống cao độ thấp, hợp đoàn bay theo sự chỉ dẫn của tàu C&C lúc quẹo trái, quẹo phải, để vào bãi đáp. Trên đường bay, tôi follow controls như lời anh Tạo dặn. Chúng tôi bay thấp trên đầu cây cao su, tôi ngó xuống chân (pedals) qua kiếng trắng (buble) phi cơ bay nhanh như chúng ta đi trên thảm xanh, hai bên và trên cây cao su bọn VC làm những cái võng treo đế bắn phi cơ bay thấp và để quan sát... Hai chiếc guns đầu bắn rockets đế dọn đường và chúng tôi yểm trợ phía sau và hai bên hợp đoàn với hai khẩu miniguns .
Anh Tạo bay, tôi ra lịnh hai anh xạ thủ tác xạ. Cây súng bên phải phía sau anh Tạo nhả đạn như mưa... cây súng bên trái (do anh Tân diều khiển) sau khi bắn được vài trăm viên đạn thì bị trở ngại không bắn được nữa... Phía bên trái con tàu không được bảo vệ, tôi và anh Tân ngó thấy bọn VC nhắm vào chúng tôi mà tác xạ. Tôi sợ quá trời... ngồi thấp xuống hy vọng tấm bửng che đạn bên hông sẽ che chở đạn cho mình... phần anh Tân ngồi không nhìn VC bắn anh sợ quá bèn chụp cây súng Carbine (các anh cơ phi xạ thủ được phát súng nầy thay vì P38) nhắm bắn VC... vì tôi ngồi thấp nên giữa cổ áo bay và cái cổ của tôi có một khoảng trống... nên khi anh Tân bắn vỏ đạn bay ngang rớt vào phía sau cổ của tôi và lọt xuống lưng quần... vỏ đạn nóng quá nên người tôi giật mỗi khi vỏ đạn rớt vào áo bay... anh Tạo tưởng tôi bị trúng đạn nên hỏi:
"Mầy bị trúng đạn hả!!!". Thật cảm động cho tình chiến hữu, trong giờ phút "thập tử nhứt sinh" nầy mà anh còn lo lắng cho tôi... tôi trả lời:
"Không có, vỏ đạn rớt vào phía sau lưng nóng quá..." Sau khi hợp đoàn thả lính xuống bãi đáp và bốc thương binh vê phi trường Lai Khê, rất may không có chiếc nào bị bắn rớt nhưng hầu hết bị trúng đạn rất nhiều nên không thể tiếp tục phi vụ. Sau khi đáp lại Lai Khê anh Tân thử súng lại và không bị trở ngại... tức quá tôi và anh Tân cùng chửi thề: "ĐM sau hồi nãy mầy (cây súng) im re dzậy". Anh Tân đá vào nòng súng mấy cái cho bõ tưc... nếu ai đó mà thấy cảnh nầy chắc cho rằng anh Tân là người điên!!!!
Chúng tôi rới Vùng III trở về Vùng IV tiếp tục hành quân giải vây chiến trường Kompong Trach bên Miên cũng không thua gì chiến trường An Lộc và những chiến trường khác tại Vùng IV .
(1) Th/t Lộc đã hy sinh tại chiến trường Mỹ Phước Tây trong phi vụ đổ quân BDQ mà tôi đã viết trong bài "Những cánh chim lìa đàn".
HUỲNH VĂN CHỪNG
Trích trang web Cánh Thép
http://www.canhthep.com
YỂM TRỢ GHE XUỒNG
Yểm Trợ Ghe Xuồng
Mỗi lần đến mùa xuân, tôi chợt nhớ đến chuyến bay yểm trợ tải thương (Dust Off) tại quận Hiếu Lễ thuộc tỉnh Rạch Giá mà tôi không bao giờ quên.
Vùng IV Chiến thuật còn được gọi là miền Tây, đất rộng cò bay thẳng cánh, kinh rạch chằng chịt; có lần một anh co-pilot lúc định tọa độ vị trí đã phải than rằng "Kinh ôi là kinh, biết kinh nào mà tìm"... Người dân miền Tây tính tình hiền hòa, ngay thẳng đúng là mẫu người miền Nam chân chính. Phương tiện di chuyển chính là đường thủy bộ (kinh,rạch) với những chiếc ghe máy đuôi tôm, ghe "tắc rán" để người dân đi từ đầu làng nầy đến xóm kia. Việc buôn bán thì được vận chuyển trên những chiếc ghe to lớn đi từ tỉnh nầy đến tỉnh nọ hoặc chở hàng về Saigon...
Vào dịp Tết năm 1973, hai bên Cộng Hòa và Cộng Sản đã ký hiệp định hưu chiến để toàn dân được vui hưởng ba ngày xuân. Về phía Cộng Hòa,vì đã học được bài học Tết Mậu Thân 1968, nên tất cả quân nhân nói chung và Không quân nói riêng đều phải ứng trực 100% tại chỗ.
Tôi còn nhớ ngày mùng một Tết, PĐ 255 trực Gunships yểm trợ cho tải thương. Tôi "được" cắt đi lead gun ngày hôm đó. Trong bụng chửi thầm :" Ngày Tết định trốn ra phố Cần Thơ đưa em gái hậu phương đi du hí để tỏ lòng quân dân cá nước...trực thế nầy thì còn cái gì vui nữa?" Thôi âu cũng là duyên số. Rồi tôi lại tự an ủi cho mình "Ngưng chiến thì còn ai lo đánh đấm gì nữa....chỉ phải có mặt tại phi đoàn mà thôi, biết đâu em gái hậu phương thấy mình côi cút mà vào phi trường thăm mình"... Sau khi làm tiền phi phi cơ xong, tôi dặn các anh em trực với tôi hãy sẵn sàng khi có lệnh cất cánh và ai nấy về phòng của mình nằm chờ.
Vào khoảng 10:00 sáng, chuông điện thoại tại cư xá độc thân reo "reng... reng", sĩ quan trực phi đoàn cho biết phi hành đoàn Gunships yểm trợ tải thương cất cánh và liên lạc với Hồng Điểu (danh hiệu phi cơ tải thương) trên tần số Paddy. Sau khi cất cánh từ phi trường Cần Thơ (phi trường 31), chúng tôi liên lạc với Paddy để báo cáo phi vụ và lộ trình cũng như xin tọa độ pháo binh để tránh né mục tiêu mà không cần yêu cầu pháo binh ngưng tác xạ, thì Hồng Điểu (HD), vào tần số Paddy và hẹn gặp chúng tôi, Xà Vương (XV) tại quận Hiếu Lễ.
Sau khi đáp xuống Hiếu Lễ, phi hành đoàn tải thương và Gunships vào văn phòng Quận để nghe thuyết trình tình hình bạn và địch tại bãi đáp. Xin được phép trình bày một chút về phi vụ yểm trợ nầy, thông thường các phi vụ tải thương rất ít cần tới Gunships vì phương tiện eo hẹp của quân đội VNCH, chỉ khi nào "HOT" lắm thì mới cần đến Guns. Vì vậy chúng tôi (Gunships) cần biết rõ tọa độ quân bạn để yểm trợ cũng như tránh tác xạ lầm. Được biết tọa độ tải thương là một tiền đồn nằm về hướng bắc quận Hiếu Lễ khoảng 30 cây số, địch bao vây chung quanh đồn chỉ trừ hướng Nam vì có dân chúng sinh sống nhưng không hiểu họ thuộc phe nào (Cộng Hoà hay Cộng Sản). Hướng Tây của đồn là một con sông lớn chạy ra hướng Rạch Giá nước chảy rất mạnh từ cửa biển đổ vào. Phía bắc của đồn là con kinh đào từ sông lớn chạy vào đất liền (cửa khẩu) con đường duy nhất để vào tiếp tế hoặc tải thương bằng xuồng, VC đã chiếm con kinh nầỵ
Sau khi nghe thuyết trình xong, chúng tôi (Hồng Điểu và Xà Vương) theo chiến thuật sau:
- Hồng Điểu sẽ bay từ quận Hiếu Lễ với cao độ 2000 bộ khi ở trên đầu cái đồn thì làm overhead approach từ hướng Nam lên Bắc. Tôi xin được giải thích phương thức đáp overhead cho các bạn KQ không ở trong ngành trực thăng được biết. Phương thức overhead là cho phi cơ bay trên đỉnh đầu của target rồi giảm tay ga (throttle) , hạ cần cao độ (collective) để độ rơi của phi cơ rơi thật nhanh đến khi thấy target thì lên tay ga trở lại và vào đáp thật nhanh tại target. Diễn tả các động tác thì rất dễ dàng nhưng thực sự hành động thì cần phải là những tay pilot cừ, giỏi, hạng nặng thì mới dám làm overhead nầy. Các pilot tải thương thì đáp kiểu nầy như cơm bữa , nên XV chúng tôi rất an tâm.
- Xà Vương, gunships, sẽ cất cánh trước đến gần tọa độ (đồn) bay vòng tròn hướng Tây của đồn ở bên bờ trái con sông lớn (từ Nam lên Bắc). Vì có lệnh ngưng bắn nên Gunships sẽ không khai hỏa, nếu bị VC bắn, chúng tôi sẽ bắn để yểm trợ và tự vệ.
- Binh sĩ trong đồn chuẩn bị thương binh tại bãi đáp khi nghe tiếng trực thăng đến.
"Xà Vương đây Hồng Điểu". Trực thăng tải thương liên lạc kiểm soát vô tuyến lần chót trước khi vào vùng.
"Hồng Điểu, Xà Vương nghe"..
"Còn khoảng 5 phút nữa sẽ vào vùng (bãi đáp)"
"Xà Vương đã thấy bạn (Hồng điểu) khi nào vào final approach cho biết,
chúng tôi ở cao dộ 1000 bộ về hướng tâỵ"
"Bravo đây Alpha" tôi gọi thằng số 2 của tôi trong tần số nội bộ.
"Bravo nghe Alpha"...
"Khi Hồng Điểu vào final, chúng ta sẽ đi từ Tây sang Đông (trục đánh), break phải gắt (steep right turn) làm vòng tròn 360 độ trở về hướng Đông, khi đó Hồng Điểu đà cất cánh rời đồn là cùng lúc Xà Vương lại vào trục đánh" tôi thông báo cho Bravo .
" Bravo nhận rõ"...
"Xà Vương đây Hồng Điểu..."
"Hồng Điểu, Xà Vương nghe"
"Hồng Điểu cao độ 1000 bộ trên target (đồn), quẹo phải, đáp từ Nam lên Bắc, nhờ bạn yểm trợ bờ sông phía Tây và con kinh hướng Bắc".
"Xà Vương đã thấy bạn, chúng tôi từ Tây sang Đông, yên chí".
Chợt có tiếng quân bạn vào tần số FM " Hồng Điểu bạn nói mấy con chó lửa (gunships) coi chừng bắn lầm mấy thằng con tui ở bờ Đông".
"Xà Vương bạn có nghe rõ" Hồng Điểu hỏi,
"Xà Vương nhận rõ".
Hồng Điểu, vào bãi đáp an toàn không bị bắn, có lẽ vì yếu tố "bất ngờ" hay là bọn VC sợ hai con "chó lửa"????
Đột nhiên tại bãi đáp bụi khói bốc lên mù mịt. Bãi đáp bị pháo kích.
"Xà Vương tôi cất cánh thẳng về hướng Bắc vì hướng Nam tụi VC đặt súng pháo vào đồn." Hồng Điểu thông báo qua tần số liên lạc.
"OK, bạn cất cánh, quẹo trái lấy cao độ về hướng Tây Nam, chúng tôi sẽ yểm trợ từ hướng Tây thẳng vào con kinh trước mặt bạn"
"Bravo, đây Alpha",
"Nghe", Bravo...
"Anh theo tôi, trục đánh từ Tây Bắc, hai bên bờ kinh, break phải, coi chừng Hồng Điểu bên tay phải, đưa Hồng Điểu qua sông rồi trở lại làm tiếp."
Sau khi đưa Hồng Điểu an toàn rời vùng, chúng tôi quay trở lại, bao nhiêu đạn, rockets chúng tôi "lì xì " ráo cho con cháu bác Hồ... Phi vụ xong, định rời vùng thì Hồng Điểu gọi
"Xà Vương đây Hồng Điểu"
"Xà Vương tôi nghe"...
" Hồng Điểu cám ơn bạn đã yểm trợ an toàn rời vùng... Bọn VC pháo kích vào bãi đáp làm tử thương anh Chuẩn úy trưởng đồn, lệnh Quân đoàn, phải bốc xác viên Ch/U với bất cứ giá nào, gunships ở lại yểm trợ cho đến khi hoàn tất nhiệm vụ, nghe rõ".
"Hồng Điểu, bãi đáp bị pháo kích, bạn đáp chỗ nào để bốc xác".
"Hồng Điểu sẽ đáp tại đồn phía Nam cách đồn trước khoảng vài cây số, bạn sẽ yểm trợ chiếc ghe "tắc rán" chạy từ đồn phía Nam và theo sông lớn chạy lên phía Bắc,vào con kinh mà bạn đã yểm trợ , bốc xác rồi sẽ theo đường cũ chạy về hướng Nam".
"Làm sao tôi biết chiếc ghe nào là bạn??" tôi hỏi Hồng Điểụ
"Chiếc ghe sẽ xuất phát từ đồn, người lính một mình trên chiếc ghe, đội nón lá, tay cầm cờ quốc giạ Khi nào anh ta bị VC tấn công thì anh ta sẽ phất cờ cho bạn biết để yểm trợ. Vì lý do bí mật, bạn đừng gây sự chú ý về chiếc ghe nầy với bọn VC mà hỏng việc"...
"OK. tụi nầy về phi trường Rạch Giá đổ xăng, trang bị (load) đạn, rockets. Cất cánh sẽ báo cho bạn rõ."
Cất cánh rời phi trường Rạch Giá, đến gần mục tiêu tôi liên lac:
"Hồng Điểu, đây Xà Vương, chúng tôi đã đến mục tiêu cũ"...
"OK, Xà Vương bạn thấy chiếc ghe chưa" Chúng tôi đảo mắt tìm kiếm một lúc cho đến khi phát hiện chiếc ghe có người đang phất lá cờ.
"Thấy rõ, có phải chiếc chạy giữa dòng sông, ghe có mang máy liên lạc không? Tần số nào để tôi liên lạc"
"Không có máy liên lạc gì cả, chỉ có lá cờ mà thôi..."
"OK, tụi tôi sẽ theo dõi kỹ chiếc ghe nầy"...
Chúng tôi bay vòng vòng bờ Tây, hoa tiêu, cơ phi và xạ thủ đều chú ý tầm mắt đến chiéc ghe nầy... Mỗi người một ý nghĩ, riêng tôi thì nghĩ phương cách nào yểm trợ chiếc ghe nầy đươc hữu hiệu; vì chưa bao giờ tôi đi yểm trợ chiếc ghe nào cả. Lúc trước đi thực tập bay với US Navy(Seawolfs) thì chỉ yểm trợ những chiếc tàu giang đỉnh, tuần duyên trong sông rạch, vận tốc chạy rất nhanh... bây chừ yểm trợ "tắc rán"... Suy nghĩ vu vơ... cho đến khi anh cơ phi báo cho biết "ghe đã gần bến"... Tôi lấy lại cần lái, và gọi số 2:
"Bravo, đây Alpha"....
"Nghe rồi cha nội "giọng Bravo chán chường có lẽ vì lần đầu tiên phải đi yểm trợ một phi vụ kỳ cục nầy....
"Trục đánh như cũ, nhớ lưu ý xóm nhà hướng Nam..."
" Rẹt....rẹt" Bravo bấm vào intercom hai lần dấu hiệu nhận rõ.
Chiếc ghe di chuyển chậm lại , từ từ rẽ phải để vào đầu kinh, chuẩn bị chạy vào đồn. Chúng tôi, mười sáu (16) con mắt chăm chú nhìn mọi cử động của chiếc ghe nầỵ Chợt chiếc ghe ngừng chạy tại ngã ba giữa sông và kinh, tôi thấy anh tài công (QNVNCH) đang ra sức kéo máy để di chuyển ghe... anh ta tiếp tục một hồi lâu thì chúng tôi thấy máy nổ trở lại và chiếc ghe từ từ đi giữa con kinh và cặp lại trước đồn. Chúng tôi mọi người thở dài nhẹ nhõm...
Sau khi chiếc ghe đã cặp vào đồn, chúng tôi (gunships) vẫn bay phía bờ Tây chờ đợi chiếc ghe rời đồn. Tất cả anh em phi hành đoàn đều giữ im lặng , vô tuyến liên lạc hoàn toàn im hơi... không khí thật ngột ngạt... tất cả nhản quan đều chăm chú nhìn vào chiếc ghe và cái đồn nhỏ bé đang chờ bọn CS "làm thịt". Tôi tự nghĩ không hiểu bọn CS có biết chiếc ghe vừa vào đồn là để lấy xác hay không????????
Mây chiều từ đâu đã kéo đến che phủ một phần bầu trời, tôi nghĩ trong đầu "Hy vọng chiếc ghe rời đồn trước khi cơn mưa" vì trời mưa rất trở ngại cho việc yểm trợ. Chơt có tiếng quân bạn vào tần số FM :
"Chó lửa thằng em tôi sắp lên thác (rời đồn) đó bạn"
"Chó lửa nhận rõ" tôi trả lờị
"Bravo đây Alpha", tôi gọi số 2
"Alpha tôi nghe", Bravo trả lờị
" Bravo còn bao nhiêu xăng", tôi hỏi
" Khoảng 900lbs".....
"OK, tôi còn khoảng 800"
Tôi xin phép được giải thích vì sao tôi quan tâm về lượng xăng. Chúng tôi phải lưu ý đến số lượng xăng đẻ quyết định có nên về đổ xăng trước khi yểm trợ vì trong khi yểm trợ không thể bỏ ngang để về đổ xăng. Nhất là trong phi vụ "Yểm trợ tắc rán" nầy tôi cần phải chú ý hơn vì "tắc rán" không chạy nhanh như những giang đỉnh hay tuần duyên của Hải quân VN.
"Chó lửa, thằng em tôi lên thác, nhờ bạn giúp giùm" quân bạn thông báo...
"OK, tôi đã thấy thằng em bạn rồi" tôi trả lời...
Khi chiếc ghe rời đồn bắt đầu quẹo trái trên con kinh nhỏ để di chuyển ra sông lớn, chúng tôi (gunships) đã vào trục đánh từ Tây sang Đông hai bên bờ kinh. Chiếc ghe an toàn ra đến sông lớn và bắt đầu chạy về hướng Nam...
"Bravo đây Alpha", tôi gọi số 2
"Nói đi" số 2 trả lời...
"Hãy để dành đạn và rockets vì đường còn dài"
"Nghe rõ"...
Chúng tôi tiếp tục bay theo yểm trợ chiếc ghe trên sông lớn, và không thấy dấu hiệu nào của anh tài công cho biết đang bị VC tấn công... Tôi thầm nghĩ: "Chắc chắn thoát rồi, bọn VC không cách chi bắn theo ghe đươc vì khoảng cách từ bờ sông đến ghe khá xa"... Nhưng dòng cảm nghĩ của tôi bị chận lại, tôi thấy hàng đoàn ghe rời bờ sông chạy đuổi theo chiếc ghe mà chúng tôi đang yểm trợ và anh tài công đã "phất cờ VNCH" dấu hiệu cho chúng tôi biết anh đang bị VC rượt đuổi và tấn công. Đồng thời lúc đó, VC tại xóm nhà bắt đầu pháo kích theo chiếc ghe, đạn pháo kích nổ trên dòng sông tạo thành những vũng nước đen trên sông. Các bạn đã từng xem phim "Cao bồi và mọi da đỏ" chắc đã từng thấy cảnh một đám da đỏ rượt một anh cao bồi đi lạc ra sao thì cảnh rượt thuyền cũng giống như vậỵ
"Bravo, Alpha",
"Nói đi..."
"Bay vòng tròn yểm trợ, dùng minigun bắn chận đoàn ghe"...
"Bravo nghe rõ"...
Chúng tôi bay vòng tròn, phải rồi trái, để xử dụng tối đa hai cây súng miniguns... nhờ trời nên hai súng không trở ngại, và chúng tôi đã làm chậm bước tiến của bọn VC bởi những làn đạn từ các họng súng miniguns. Đạn pháo kích vẫn pháo theo ghe, và tôi thấy tên VC chạy tới chạy lui để điều chỉnh súng cho chính xác. Chúng tôi dùng rockets để tiêu diệt các khẩu pháo 61 ly hoặc 81 ly... các anh cơ phi + xạ thủ thì dùng miniguns để bắn chìm các ghe của bọn VC. Vừa yểm trợ chiếc ghe vừa cầu nguyện cho chiếc ghe đừng "chết máy"... Nếu ghe ngừng chạy thì anh tài công can đảm kia sẽ không làm tròn trách nhiệm cao cả của người lính VNCH.
Đoàn ghe VC truy đuổi bị bắn chìm rất nhiều, nên sau một hồi theo đuổi, họ tách rời và chạy vào hai bờ sông. Chiếc ghe chở xác tiếp tục chạy và anh tài công không còn "phất cờ" nữa, dấu hiệu an toàn... chúng tôi mọi người nhìn nhau không biết nói câu gì... nỗi bàng hoàng vẫn còn in trên nét mặt của từng anh em... Chúng tôi tiếp tục yểm trợ chiếc ghe cho đến khi vào tận đồn phía Nam, nơi đó đã có "Hồng Điểu" danh hiệu trực thăng tải thương đón chờ.
"Hồng Điểu đây Xà Vương" tôi gọi
"Xà Vương, Hồng điểu tôi nghe"...
" Nhờ Hồng Điểu chuyển lời đến anh tài công ,chúng tôi Xà Vương, rất mến phục sự can đảm và tình yêu thương đồng đội của anh. Hy vọng sẽ gặp anh ta trong một ngày gần đây"...
"OK, Hồng Điểu sẽ chuyển cho bạn. Phi vụ xong, chúc các bạn về bình an"...
"Hồng điểu cũng vậy... à... Chúc mừng năm mới..."
Chúng tôi ghé đổ xăng tại phi trường Vị Thanh, trời đã về chiều... những hạt nắng thừa vẫn còn đọng lạị trên đường bay . Nhìn xa xa thấy những em bé trong bộ đồ mới chạy đùa tung tăng vui Xuân thật vô tư... Rời phi trường Vị Thanh, tôi gọi Paddy báo cáo phi vụ và lộ trình về Cần Thơ, và Paddy hỏi:
"Đi bay ngày Tết có vui lắm không bạn?" Họ (Paddy) ở căn cứ thì làm sao thấy những sự việc đã xảy ra... Tôi trả lời :
"Cũng thường thôi, một ngày như mọi ngày"...
Đưa cần lái cho anh hoa tiêu phó, tôi vội móc bao thuốc "Con Mèo đen" quà lì xì của ngài Quận Trưởng mời anh em... Qua làn thuốc thơm, tôi ôn lại phi vụ vừa qua... và thầm nói cho riêng mình: "CHỈ VÙNG IV CHIẾN THUẬT MỚI CÓ GUNSHIPS YỂM TRỢ GHE XUỒNG MÀ THÔI"...
HUỲNH VĂN CHỪNG
Trích từ trang web Cánh Thép
http://www.canhthep.com
Friday, October 1, 2010
CỨU NGƯỜI - NGƯỜI CỨU TA
Cứu người - NGƯỜI cứu ta
Tháng sáu là tháng mà Quân lực VNCH tổ chức ngày kỷ niệm "Quân Lực" hàng năm, đã giúp tôi nhớ lại lần tôi bị bắn rớt gần chi khu Phụng Hiệp,tỉnh Cần Thơ, Vùng IV Chiến Thuật trong một phi vụ tải thương đúng vào ngày 19 tháng 6.
Chúng tôi một số hoa tiêu trực thăng tốt nghiệp tại Hoa kỳ vào tháng 10 năm 1970, về Việt Nam thì tôi được phục vụ Phi đoàn 211, một phi đoàn trực thăng kỳ cựu nhất của ngành trực thăng Việt Nam. Sau khi trình diện phi đoàn 211 tại phi trường Trà Nóc, Cần Thơ, chúng tôi được đưa lên căn cứ Long Bình của Hoa Kỳ để huấn luyện thành những hoa tiêu chính (Pilot). Sau thời gian bay thực tập với Hoa Kỳ với những phi vụ liên lạc, hành quân khắp vùng III Chiến Thuật, chúng tôi khăn gói trở về phi đoàn 211 với chứng chỉ Pilot. Thời gian bay bổng tại Phi đoàn 211, vì là phi đoàn kỳ cựu trực thăng, chúng tôi vẫn là những hoa tiêu phó mặc dầu giấy tờ là hoa tiêu chính. Ban ngày là sĩ quan trực phi đoàn vì là hoa tiêu phó, đêm đến thì đi quay máy vì là hoa tiêu chính... Rồi thời gian trôi qua rất nhanh, tôi bay chung với các hoa tiêu chính già dặn "tay nghề", tôi học hỏi rất nhiều từ các anh ấy, và tôi cũng chứng tỏ với họ tôi là hoa tiêu phó đầy "kinh nghiệm" nên dần dần tôi được các anh chú ý, ưa thích, và tin tưởng nên được đi bay rất nhiều. Vì được bay bổng nhiều nên tôi đã học hỏi "tay nghề" rất nhanh và chính "nó" đã giúp tôi có được sự bình tĩnh trong các phi vụ tải thương sau nầy. Hầu hết các anh hoa tiêu kỳ cựu phi đoàn 211 được huấn luyện thành những IP (instructor pilots) khi phi đoàn 211 đảm nhận huấn luyện các khóa bay trực thăng tại Sư đoàn IV Không Quân.
Vào những năm 1971-72, ngành trực thăng đã dần dần thay thế quân đội Hoa kỳ trong những phi vụ yểm trợ quân bạn từ đổ quân, tiếp tế, tải thương. Không Đoàn 84 Chiến Thuật ngoài những phi vụ kể trên, còn phải tiếp nhận thêm nhiều phi vụ tải thương. Do đó Không Đoàn đã biệt phái Đ/U Quới , phi đoàn 211, sĩ quan liên lạc tải thương, và làm việc với phi đội tải thương Hoa Kỳ đóng tại phi trường Navy trong căn cứ Hải quân Hoa Kỳ, Cần Thơ. Các hoa tiêu thì từ các phi đoàn 211, 217, 225 và 227 biệt phái sang đi bay chung với phi hành đoàn Hoa Kỳ. Có lẽ vì tôi giỏi Anh văn hay là lúc đi bay thực tập tại Long Bình được các "trưởng phi cơ Hoa Kỳ" khen giỏi và không bị trở ngại trong thời gian huấn luyện nên tôi lại "được" gởi đi biệt phái sang bay tải thương (Dustoff). Thú thật tôi không thích bay tải thương vì tàu không có vũ khí để tự vệ, chỉ có dấu thập đỏ "Hồng thập tự" làm tấm bình phong đỡ đạn mà thôi. Khi huấn luyện tại trường bay, tôi tình nguyện theo học "gunship" vì tôi chủ trương "ăn thua đủ" với quân thù, chúng bắn tôi thì tôi "chơi" lại bằng rockets, miniguns...
Trong khi bay tải thương, tôi bay với hoa tiêu Hoa Kỳ ban đêm và hoa tiêu Việt Nam trong những phi vụ ban ngày vì lúc đó hoa tiêu Việt Nam không có mấy ai bay đêm ngoài Đ/U Quới. Tôi còn nhớ trong một phi vụ đêm, bay chung với Đ/U Quới bốc thương binh tại một cái đồn thuộc quận Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho rất "hot" nên chúng tôi đã phải nhờ đến trực thăng võ trang của Navy Hoa Kỳ "Seawolfs" yểm trợ và chúng tôi đã hoàn tất nhiệm vụ thật hoàn hảo. Những phi vụ tải thương rất nguy hiểm nhưng cũng có những cái thú như là: mình "liều mạng" để cứu sống con người trong khi người lại tìm cách giết nhau không một lần xót thương... thật mâu thuẫn quá!!!!! Cái thú khác nữa của những phi vụ tải thương là "chưi lộn" với con cháu bác Hồ trên tần số FM vì bọn chúng thường vào tần sô để phá phách hay "hù dọa" chúng tôi, và cái khổ nhât là giải nghĩa cho các anh bạn Hoa Kỳ được hiểu về những "trận" chửi lộn nầy.
Ngày 19 tháng 6, ngày Quân Lực , tôi và Th/U Chánh (phi đoàn 225) trực ngày. Danh hiệu "Kim Cương" Charlie. Buổi sáng chúng tôi làm những phi vụ tải thương từ Cà Mau, Năm Căn, Thới Bình, Vị Thanh và đến trưa chúng tôi trở về Cần Thơ ăn cơm. Trên đường về Cần Thơ, chúng tôi nhận phi vụ tải thương tọa độ gần quận Phụng Hiêp từ trung tâm Hành Quân Tải thương đóng tại phi trường Navy. Tôi xin phép được nói thêm một chút về "Trung Tâm Tải Thương" nầy để các bạn được rõ.
Trung Tâm Tải thương do Hoa Kỳ phụ trách, họ nhận những phi vụ từ Tỉnh, Quận do các cố vấn Hoa Kỳ yêu cầu, rồi chuyển những phi vụ nầy đến chúng tội. Nếu phi vụ "hot" phải cần "gunships" yểm trợ , thì họ báo cho chúng tôi biết khi nào đã có "guns" sẵn sàng thì chúng tôi vào vùng tải thương. Phi vụ tải thương nầy, chúng tôi liên lạc với "Trung Tấm tải thương" để tìm hiểu thêm về tình trạng của thương bệnh binh nặng nhẹ ra sao, và tình hình tại bãi bốc. "Trung Tâm" cho biết :
- Bãi đáp an toàn, thương binh bị thương chân và đầu.
Anh Chánh và tôi nhìn nhau không biết có nên tin "bãi đáp an toàn" không? Vì theo kinh nghiệm của chúng tôi thì thông thường bốc thương binh vùng Phụng Hiệp đều cần "gunship" yểm trợ vì bọn Việt Cộng rất "hỗn", cứ nghe tiếng trực thăng là tác xạ nhất là chúng biết trực thăng tải thương không mang vũ khí để tự vệ. Sau khi chúng tôi trao đổi ý kiến cho nhau, chúng tôi quyết định xuống bốc thương binh rồi về Cần Thơ ăn cơm và nghỉ trưa vì tọa độ bãi bốc gần Cần Thơ. Chúng tôi thông báo với "Trung Tâm Tải Thương" về quyết định của chúng tôi, thông báo Paddy tọa độ tải thương và tôi bắt đầu liên lạc với quân bạn :
"Thành Đô (danh hiệu tại đồn, tôi không nhớ rõ lắm) đây Charlie."
"Charlie. Thành Đô nghe bạn 5/5, có gì nói đi bạn "
"Charlie chim sắt chữ thập đỏ đến bốc mấy chai "wisky" (thương binh) cho biết tình hình nơi bạn ở".
"An toàn đó bạn". Chợt chúng tôi nghe:" Chim sắt đi chỗ khác chơi, xuống bắn bỏ mẹ". Chúng tôi biết bọn Việt Cộng đã vào tần số nên tôi gọi :
"Thành Đô bọn Việt Cộng vào số nhà của bạn để tôi gọi "chó lửa" (gunships) đến yểm trợ đó bạn".
"Charlie mấy con "chuột" (Việt Cộng) vào số nhà tôi phá rối đó bạn. Yên chí bãi đáp an toàn. Lên một nấc để liên lạc đi bạn". Một nấc là một số, thí dụ tần số 42.50 thì lên một nấc là 43.50.
"Thành Đô đây Charlie nghe rõ trả lời".
"Charlie Thành Đô tôi nghe 5/5".
"Thành Đô bạn cho biết "chuột" ở hướng nào của bạn, và hướng nào vào thì an toàn".
"Charlie "chuột" ở hướng Tây của tôi, bạn vào hướng Đông có mấy đứa em tôi đang an toàn cho bạn".
"Đ.M. xuống tao bắn rớt" bọn Việt Cộng lại vào tần số.
Anh Chánh và tôi lại nhìn nhau để hội ý, chúng tôi biết bọn Việt Cộng thích chơi trò "cút bắt" mình có đổi tần số bao nhiêu lần chúng cũng lọt vào được. Đã đến giờ cơm, bụng đói cào....Chánh và tôi quyết định xuống bốc mà không cần "chó lửa" yểm trợ, không để bọn Việt Cộng "hù" chúng tôi mãi. Tôi gọi máy:
"Thành Đô chuẩn bị mấy chai "wisky", chúng tôi xuống bốc đó bạn"
Anh Chánh bay tôi follow theo cần lái, tôi "lock" dây an toàn. Anh Chánh làm môt vòng "overhead" giảm cao độ từ hướng Đông bay vào, cao độ khoảng 50 feet trên đầu các ngọn cây, tốc độ khoảng 80-100 knots thì tôi nghe đủ loại súng bắn vào phi cơ "bựt bựt..." tôi biêt thân tàu trúng đạn. Khi cách đồn khoảng 10 thước, Chánh giảm tốc độ để vào đáp thì phi cơ bắt đầu quay vòng tròn theo chiều kim đồng hồ, cắt tay ga tàu xàng ngang và tôi nghe tiếng cánh quạt chính chém vào thân cây "rắc...rắc". Tàu rớt ngay trên giao thông hào bên trong đồn, thật may mắn tàu rớt trong đồn chứ nếu ngoài đồn thì chắc chúng tôi tan xác vì mìn và lựu đạn gắn xung quanh đồn. Phi hành đoàn vô sự, xin cám ơn anh Chánh với "tay nghề" điêu luyện đã đưa con tàu không cánh quạt đuôi đáp an toàn. Tôi gọi Paddy cho biết tọa độ chúng tôi bị bắn rớt rôi tắt máy chờ tàu "rescue" từ Trà Nóc,Cần Thơ đến bốc về.
Trong khi chờ tàu "rescue" cất cánh từ phi trường Trà Nóc, anh y tá Tiến mà chúng tôi thường gọi "bác sĩ Tiến" đã vào nước biển cũng như băng bó vết thương cho các thương bệnh binh. Chúng tôi ngồi chờ tại đồn, quên cả cơn đói, từ 1 giờ trưa cho đến 4 giờ chiều mới được chiếc tải thương khác đến tiếp cứu do T/U Ninh (217) và hoa tiêu Hoa kỳ. Chính tôi đã hướng dẫn hai chiếc Cobras bắn phá, yểm trợ chiếc tải thương nầy bay từ Tây sang Đông thay vì Đông sang Tây theo lời quân bạn hướng dẫn.
Chiếc phi cơ tải thương đưa chúng tôi vê phi trường Trà Nóc, xin cám ơn T/U Ninh và phi hành đoàn. Sau nầy tôi được biết chiếc tàu "rescue" đã lấy lộn tọa độ (cung cấp bởi Paddy) đi Cà Mau - Năm Căn thay vì Phụng Hiệp, sự sai biệt khoảng 200 km.
Sau khi tái khám tại bệnh viện Sư đoàn, tôi phải làm báo cáo trình lên Sư Đoàn về phi vụ tản thương nầy. Ngày 19 tháng 6 năm 197X rơi vào ngày Chủ Nhật, thông thường nếu không đi bay thì tôi đi lễ nhà thờ cầu nguyện ơn trên ban bình an cho quê hương, gia đình, bạn bè và tôi. Ngồi viết báo cáo... tôi thầm nghĩ cho riêng mình: Ngày Chủ Nhật đi bay Cứu người, bị bắn rớt vô sự phải chăng NGƯỜI (Chúa) đã cứu ta?
HUỲNH VĂN CHỪNG
Đại đội 64/ Khoá 6/68 Thủ Đức
---
Trích từ trang web Cánh Thép
http://www.canhthep.com
MÙA XUÂN KHÔNG ĐẾN
Mùa Xuân Không Đến
Lời dẫn nhập:
Sau khi thất bại trong trận chiến " Mùa hè đỏ lửa 72", bọn Cộng Sản (CS) vẫn
không chừa bỏ mộng xâm chiếm miền Nam Việt Nam . Chúng (CS) đã được khối CS viện
trợ thêm nhiều vũ khí tối tân mà trong đó hoá tiễn tầm nhiệt SA-7 là "hung thần"
bắn hạ phi cơ của Không Quân Việt Nam Cộng Hoà. Các phi cơ cánh quạt, bán phản
lực, và phản lực đều bị loại hoả tiễn nầy "sát hại". Để chống lại loại hoả tiễn
nầy, các phi cơ đã trang bị trái sáng (flare) thả khỏi phi cơ khi vào vùng có
nhiều hoả tiễn SA-7. Trực thăng UH-1 thì được trang bị hệ thống toả nhiệt gắn
vào phía sau ống khói (exhaust) phun hơi nóng lên không và sau đó được cánh quạt
chính (main rotor) thổi tản mác khắp nơi đã giúp cho trực thăng bớt đi tổn hại
về SA-7. Riêng trực thăng Chinook có hai ống thoát nhiệt gắn hai bên phía trên
thân tàu thì không có hệ thống toả nhiệt như UH-1, và đó là nhược điểm mà bọn CS
đã tìm biết. Khu tứ giác Phước Xuyên, Mộc Hoá, Ấp Bắc, và Mỹ Phước Tây là nơi bọn CS trang bị rất nhiều hoả tiễn SA-7. Mặc dù đã được hộ tống bởi trực thăng võ trang (gunships)... nhưng vì Chinook bay nhanh hơn nên gunships cố gắng "bơi" theo để yểm trợ thật vất vả... Sau khi chiếc Chinook do cố Tr/T Trung bị bắn rớt, gunships hộ tống Chinook thay vì bay trước dẫn đường thì nay Chinook bay trước và gunships bay phía sau quan sát và hộ tống. Bài viết nầy xin gởi tặng anh em phi đoàn 249 Mãnh Long nói chung, và gia đình phi hành đoàn cố Đ/U Đông nói riêng.
Tháng hai dương lịch, khí hậu mát mẻ báo hiệu mùa Xuân (Tết) đến. Quân dân Vùng 4 Chiến Thuật chuẩn bị đón Xuân, các thửa ruộng đã cày cấy xong, những trái dưa hấu đã được hái và chuyên chở ra chợ bán Tết. Không khí mùa Tết đã nhuộm trên vùng trời miền Tây (vùng 4 Chiến Thuật)... nhưng đối với các chiến sĩ thì mùa Xuân nầy không biết bọn CS sẽ làm gì... sẽ có những thủ đoạn "gian manh" nào???? Riêng tôi độc thân vui tính nên ngày Tết cũng giống như mọi ngày... sáng vác nón bay áo giáp ra đi và buổi chiều đậu tàu vào ụ thì mới biết mình đã qua được một ngày trong chiến tranh.
Ngày 9/2/1975 (30 tết), tôi bay phi vụ gunships hộ tống Chinook( Mãnh Long), trình diện tại phi trường Cao Lãnh. Buổi sáng trời thật tốt, khí hậu lành lạnh... báo hiệu ngày Tết gần kề, trên đường bay tôi có nghe Mãnh Long liên lạc với Paddy báo đáp phi trường Cao Lãnh. Chúng tôi (gunships) vào đáp phi trường Cao Lãnh, vào nơi đổ xăng thì thấy một chiếc Chinook cũng đang đổ xăng. Sau khi đổ xăng xong, Chinook và gunships vào đậu bên lề phi đạo tắt máy. Môt chiếc xe jeep chạy đến đón phi hành đoàn Chinook và chúng tôi (gunships) ngồi ở tàu chờ. Xin phép được trình bày một chút về phương thức hộ tống/yểm trợ Chinook. Thông thường các đơn vị bộ binh chỉ thuyết trình và liên lạc với phi hành đoàn Chinook, và sau đó phi hành đoàn Chinook sẽ thông báo với gunships những gì họ cần chúng tôi (gunships) hộ tống/yểm trợ.
Một lúc sau, phi hành đoàn Chinook đến gặp chúng tôi và cho biết nhiệm vụ hôm nay là câu hai khẩu pháo binh 105 ly ,và đạn dược vào căn cứ hoả lực Bình Thạnh Thôn (BTT). Chiếc Chinook nầy Tr/U Quang (1) là Trưởng phi cơ (TPC), danh hiệu Mãnh Long 2(ML2), và tôi được biết chiếc Mãnh Long 1 sẽ lên sau vì tàu hư. Tr/U Quang và tôi là bạn cùng khoá trực thăng tại Ft. Wolters, TX nên chúng tôi rất vui mừng gặp lại nhau. Căn cứ hoả lực BTT nằm về phía Tây Bắc của tỉnh Mộc Hóa (Kiến Tường) là căn cứ dùng để yểm trợ pháo binh cho những trận đánh gần biên giới Miên .
Chúng tôi (gunships) đã biết khu tứ giác nầy, bọn CS có thể núp bắn bất cứ giờ phút nào... Chinook tiếp tế vào căn cứ hoả lực là nơi tương đối an toàn... nhưng vì không được thuyết trình tình hình chung quanh căn cứ nên tôi yêu cầu ML2 cho tôi tần số FM của đơn vị bạn khi cần tôi sẽ liên lạc. Tôi liên lạc với ML2 và nói: "chuyến đầu tôi (gun1) bay trước dẫn đường, kế là ML2, và sau đó gun 2. Sau khi thả hàng xong, ML2 lấy cao độ theo đường bay cũ về, gunships bay dưới bụng bên trái để yểm trợ". Chúng tôi bay cao độ khoảng 1000 bộ, trên đưòng bay vào căn cứ BTT, chúng tôi để ý đến hàng cây rậm nằm bên tay phải vì nơi đó bọn CS có thể ẩn núp tác xạ vào phi cơ. Sau chuyến tiếp tế đầu tiên, ML2 bay trước theo lộ trình cũ và gunships bay phía sau vừa quan sát cảnh vật hai bên, và yểm trợ khi cần đến. ML2 và chúng tôi đã làm xong 6 chuyến tiếp tế.
Trên đường từ BTT về Cao Lãnh , chúng tôi được biết Mãnh Long 1 (ML1) sau khi sửa tàu xong đã đáp phi trường Cao Lãnh. Chúng tôi đáp phi trường Cao Lãnh vào khoảng 11 hay 12 giờ trưa, tàu của tôi còn khoảng 400lbs xăng nên tôi đề nghị với ML2 đổ xăng (refuel) rồi làm tiếp. Tôi cũng được biết Tr/U Đông là TPC chiếc ML1 và anh là lead trong phi vụ nầy . Sau khi nghe tôi đề nghị, ML1 vội trả lời:" Xà Vương làm xong chuyến nầy trở về đổ xăng, ăn cơm, nghỉ trưa rồi làm tiếp". Thú thật khi nghe ML1 đề nghị chuyên nầy tôi không vừa lòng lắm... vì tôi biết từ phi trường Cao Lãnh vào căn cứ BTT trở ra cũng phải tiêu thụ ít nhất 200lbs xăng... nếu có chuyện gì xảy ra thì chúng tôi (gunships) không đủ xăng để yểm trợ. Tôi phân vân nghĩ ngợi... nhưng rồi thầm nhủ cho riêng mình "Đi vô đi ra đã 6 chuyến rồi, an toàn, chắc không có chuyện gì xảy ra đâu... mình làm việc cho Mãnh Long thì để Mãnh Long quyết định". Tôi đồng ý làm chuyến thứ 7 nầy xong rồi tính sau.
Hai chiếc Mãnh Long cất cánh trực chỉ căn cứ BTT, hai gunships đuổi theo như hình với bóng. Đến BTT, gunships bay vòng tròn trên căn cứ trong khi chờ chiếc Chinook số 1 thả hàng lấy cao độ, và tuần tự chiếc số 2 thả hàng đang lấy cao độ khoảng 300 bộ tôi bay thấp phía trái của chiếc số 2 và tôi lấy cao độ theo chiếc số 2... tôi chợt thấy ống khói (exhaust) bên trái của chiếc số 2 đang cháy tôi bèn liên lạc:
"Chiếc số 2 máy bên trái cháy, đáp khẩn cấp"
Chiêc số 2 vẫn tiếp tục lấy cao độ bay vào khoảng đất trống để hạ cánh, tôi đeo theo bên cánh trái... tàu xuống cao độ khoảng 100-150 bộ giảm tốc độ thì bị nổ tung trước mắt tôi... Tôi vừa bay vừa gọi trên tần số guard "Mayday, Mayday" tiếng Việt lẫn tiếng Anh và cho biết toạ độ chiếc Chinook bị nạn. Trong khi đó chiêc Chinook số 1 đang bay thấp là đà định vào tiếp cứu, tôi nói anh ra khỏi vùng để gunships yểm trợ.
Chiếc gun2 đang bắn rockets vào hàng cây, gun1 dùng miniguns bắn xung quanh để yểm trợ. Tôi xuống thấp khoảng 50 bộ để quan sát và tìm xem có ai còn sống sót không? Quan sát chung quanh chiếc tàu các thi thể nằm rải rác... không thấy có dấu hiệu sống sót - Tàu tôi lúc đó còn khoảng 200lbs xăng không thể bao vùng lâu được... tôi kêu cứu trên tần số để có phi cơ nào bay gần đó đến bao vùng (cover) để tôi về phi trường Cao Lãnh đổ xăng (refuel) rồi lên vùng tiếp. Rất may có gunships phi đoàn 255 đang làm việc vùng Mộc Hoá đã nghe tiếng tôi cầu cứu trên tần số đến thay (release) tôi về đổ xăng. Đó là phi hành đoàn XaVương11 (2) và bạn NVL (wingman), anh NVL đã gởi email cho ban togia9 trong bài Phước Xuyên với chi tiết không được chính xác .
Chúng tôi (gunships) rời vùng về phi trường Cao Lãnh cùng với chiếc Chinook số 1 (3). Trên đường về Cao Lãnh, gun2 báo cho tôi biết tàu bị "tail rotor chip detector" cánh quạt đuôi có mạc sắt cần phải check (kiểm soát) lại trước khi cất cánh. Đổ xăng xong tôi cất cánh, báo cáo gun2 bị hư, tôi sẽ đến nơi Mãnh Long rớt một mình để tiếp tục phi vụ tìm kiếm và bốc xác phi hành đoàn thì được lịnh từ phòng Hành Quân Chiến Cuộc (qua Paddy) đáp trở lại phi trường Cao Lãnh nằm chờ vì trên vùng đã có gunships và tàu rescue.
Sau khi đáp lại phi trường Cao Lãnh, tôi được biết qua Tr/U Quang, chiếc số 1 là Mảnh Long 2, và chiếc số 2 là Mãnh Long 1 vì Đông có nói với Quang hãy đi trước dẫn đường vì Quang đã quen vùng . Vì vậy khi tôi báo chiếc số 2 bị cháy thì ML2 đã hạ cao độ xuống đất vì anh tưởng tôi báo ML2 bị cháy.
Chúng tôi trở về phi trường Cần Thơ với niềm thương tiếc về phi hành đoàn Mãnh Long 1 đã hy sinh trên chiến trường BTT. Mùa Xuân đã trở về với chúng ta... nhưng "Mùa Xuân Không Đến" với gia đình cố Đ/U Đông và phi hành đoàn Mãnh Long 1.
TB: Câu chuyện xảy ra đã hơn 30 năm, chi tiết có thể không được đầy đủ. Xin quý NT và các bạn bổ túc cho. Xin cám ơn.
HUỲNH VĂN CHỪNG
Đại Đội 64/ Khoá 6/68
(1) Tr/U Quang hiện cư ngụ tại Houston, TX
(2) XaVương 11 hiện cư ngụ tại Savannah, GA
(3) Mãnh Long 2
Trích trang web Cánh Thép
http://www.canhthep.com
Subscribe to:
Posts (Atom)