QUÂN PHỤC ĐẠI LỄ CỦA THỦ ĐỨC
HỊCH TRUYỀN
THÁNG TƯ ÔM HẬN
Wednesday, November 30, 2011
Tuesday, November 29, 2011
TRẮNG TAY
Khi những quả trọng pháo, 130 ly hay 105 ly Minh không xác định được nhưng chắc chắn là chỉ nội một trong hai thứ này mà thôi, lai rai rớt cách vị trí đóng quân của Minh chừng vài chục thước, trước đó thì xa hơn, là thôi rồi, Minh nghĩ, coi như địch đã điều chỉnh trúng muc tiêu. Đích thị là tiền sát hay trinh sát gì đó của đối phương đang lẩn quẩn dưới chân đồi. Chúng cũng đã ngang nhiên nổ súng cá nhân từ xa xa dưới lưng chừng đồi lên đây, chứ chẳng cần phải sợ gì ai cả. Đại quân của chúng phía sau đang sẵn sàng kéo tới thì chúng có ngán gì ai! Nãy giờ chúng đang điều chỉnh tới, điều chỉnh lui, “kéo” đạn tới cho mỗi lúc mỗi nổ gần vị trí Minh hơn. Nãy giờ cứ như thể là, Minh nghĩ, chúng đang chơi cái trò cho cha con Minh nghe... “nhạc Trịnh”, thưởng thức cái giai điệu mang tên “Cát Bụi”, mà chủ yếu trong đó là cái lời ca đầy triết lý “tiếng động nào gõ nhịp không nguôi”. Mà triết lý đâu vô đây giờ này làm chi vậy hả trời ạ, Minh lèng èng trong đầu! Nói nào ngay về “nhạc Trịnh” thì Minh cũng đếch biết gì nhiều, có bài Minh nghe thì thấy hay hay vậy thôi chứ có khi chẳng hiểu, hoặc có khi hiểu mà không dám chắc là hiểu có đúng không, như trường hợp hai chữ “tiếng động” trong cái câu ca này đây, Minh không hiểu nó là thứ tiếng động gì, phát ra từ đâu...
Còn thứ tiếng động mà Minh đang “thưởng thức” đây đúng là thứ tiếng nổ mắc dịch và chết bầm thuộc loại “siêu hạng” của thứ đại bác nếu không là nặng ký và dữ dằn nhất của đối phương trong suốt chiều dài của cuộc chiến: đại bác 130 ly, thì cũng là 105 ly, cơ hữu của địch hoặc của ta mà địch trước giờ lấy được nay đem ra xài, mà 105 thôi thì cũng đủ ớn chè đậu rồi. Và đúng là cứ như thế mà vài ba phút thì nó “gõ” cho một cái rầm đinh tai nhức óc, ý chừng như muốn làm cho mọi thứ trong cái khoảng không gian hoang sơ mà tươi tắn và gợi tình một cách man dại do đầy vẻ xuân thì của vùng đồi núi Khánh Dương này, nơi Minh và các đồng đội đang đóng chốt, phải vỡ tung ra từng mảnh, tan thành “cát bụi” sạch sành sanh mới thôi!
Vấn đề còn lại, Minh biết quá rõ, trước khi rơi ngay trên đỉnh, chỉ là sự sai biệt tí chút của từng quả đạn bắn đi do một vài yếu tố nặng phần kỹ thuật tác xạ pháo binh mà thôi. Bởi vậy, có quả nổ ngắn, có quả nổ dài, quả ăn bên trái, quả ăn bên phải, nhưng chỉ ngắn, dài, trái, phải trong một khoảnh khắc nữa thôi, rồi thế nào cũng đâu vào đấy, không sớm thì muộn, cũng tới lúc có một quả nổ ngay trên đỉnh. Và một khi đã trúng đỉnh rồi thì a lê hấp, chúng sẽ bắt đầu “dập”, tức là bắt đầu bắn tiêu diệt, bắn tới tấp như mưa, chứ không còn bắn theo kiểu gõ nhịp slow, lai rai và tà tà như hiện giờ nữa. Lúc đó đạn sẽ nổ trên đầu cha con Minh dồn dập liên hồi, liên tu bất tận “liên tồn hiện sinh”, giống như thể là sự kéo dài khúc nhồi trống solo nhức nhối trong Wipe Out của The Surfaris đầu thập niên 60. Ôi thôi, lúc đó sẽ còn hơn là địa ngục trần gian. Lúc đó sẽ — nếu như đi đánh nhau như thế này mà có nhạc “minh hoạ” như trong xi-nê và giả tỷ như là tiếng ca réo rắt vừa trầm trầm đục đục, vừa khàn khàn, mà lại vừa hơi hơi chát chúa và kha khá lanh lảnh của Khánh Ly chẳng hạn, được dùng để “minh hoạ” cho cái giai đoạn điều chỉnh, “kéo” dần đạn pháo lại gần mục tiêu như nói trên — y như là cái lúc mà lời ca và tiếng hát đó của Khánh Ly không còn thích hợp nữa. Nó phải nhường chỗ cho cất lên cái giai điệu đại hợp tấu rất ư là “gồ ghề” mang tên The Ride of the Valkyries của Wagner mà Francis Ford Coppola, người làm loạt phim Bố Già lừng lẫy, đã dùng làm nhạc “minh hoạ” cho sự “hoành tráng” và bừng bừng khí thế của cái cảnh hàng đoàn trực thăng thuộc đơn vị Không Kỵ trong Apocalypse Now đang hùng hổ bốc lên trong đội hình chuyên nghiệp và dũng mãnh. Rồi vẫn trong tiếng nhạc đó và giống y như là cái cảnh đại quân Mông Cổ của Thành Cát Tư Hãn đang gió bụi mù trời cất vó câu trên thảo nguyên mênh mông, ào ào xua quân đi trừng phạt lân bang, đoàn trực thăng như những “con ngựa bay” hùng hổ lao vào vùng — mà “vùng” đây toàn là làng mạc nên thơ không hà, trong đó toàn là dân lành, toàn là đàn bà con nít, rồi lại có cả những thiếu nữ trông thật là thuỳ mị nết na trong những chiếc áo dài trắng, đầu đội những chiếc nón lá nghiêng nghiêng e ấp nữa chứ, còn ngây thơ vô tội thì đương nhiên là khỏi nói rồi: không một tấc sắt trong tay — rồi ào ào bắn phá, tha hồ ngang dọc tung hoành như vào chỗ không người... Hậu quả là làng mạc te tua, nhà tan cửa nát, khói lửa ngút trời, khóc la thảm thiết, máu chảy thành sông... Ôi, đúng là “Mỹ Nguỵ ác ôn” có khác, tàn sát không gớm tay, ai đâu mà làm phim ác nhơn vậy trời! Ôi thôi lúc đó đúng là một dấu chấm hết, không hơn không kém, cho cái đám dân lành vô tội kia trong phim. Tương tự như vậy, một khi đạn 130 ly hoặc 105 cứ tới tấp “dập” trên đỉnh mà nếu Minh và cha con không kịp dzoọt ra khỏi thì ôi thôi, đúng là đời tàn nơi hẻm núi, một dấu chấm hết như không: “huỷ hoại môi trường” không nương tay, đồi xanh biến thành đồi đỏ — wipe out! Thật xui khiến làm sao, hai cái tên “Cát Bụi” và “Wipe Out” giờ đây bỗng trở nên tiên tri và định mệnh. C úng đang rình rập và chực chờ để sẵn sàng ứng dụng, sẵn sàng đổ ụp lên đầu cha con Minh cho thịt nát xương tan, một cách hả hê và hoàn toàn không thương xót!
Đem đại bác ra xài cho một vị trí chốt bé tí xíu, lúc đó chỉ gồm loe ngoe một phần của cái ban chỉ huy đại đội và một phần của trung đội súng nặng, tổng cộng chừng khoảng 15, 20 mống trở lại, chắc chắn không phải là điều bình thường như... truyện dài nhân dân tự vệ. Nó làm cho Minh bị bất ngờ và cũng đồng thời làm cho Minh cảm thấy mình “có giá” ra bạc tỷ bởi vì được trọng pháo địch “chiếu cố” một cách đơn lẻ, tận tình, và nồng hậu như thế này nào dễ có mấy ai, sau này nếu sống sót, Minh sẽ đem điều đó ra khoe với con cháu. Mà làm đếch gì phải quan trọng dữ vậy nè trời, Minh tự hỏi, chắc là phải có cái gì đây! Cái gì đây là cái quái quỉ gì thì Minh nghĩ mãi nãy giờ vẫn không ra!
Nói nào ngay, đúng như các nhà hiền triết nói, “tư duy” đích thị là cội nguồn của mọi hệ luỵ, ít ra là trong trường hợp này của Minh:
Minh lúc đó cứ đinh ninh rằng đối phương dù có “cay” cái chốt của Minh đến mấy đi chăng nữa thì chúng cũng làm gì có “tiền” đâu để mà “đi” một cách “sang hơn đĩ” bằng trọng pháo như thế này? Minh cho rằng đồng ý là có thể cái chốt của Minh do có tầm quan sát bao vùng đã trở thành một thứ cao điểm trọng yếu, mà người giữ đỉnh như Minh, trong vai trò “tai mắt”, có thể giúp chế ngự bước tiến quân của chúng bằng quan sát, hướng dẫn và điều chỉnh phi pháo; do đó bắt buộc chúng phải nhổ đi bằng mọi giá như nhổ một cái gai trong mắt. Nhưng chúng làm đếch gì mà “công tử Bạc Liêu” xằng như vậy, giàu sang phú quý đến như vậy để mà “xài lớn” bạo vậy? Đem đại bác ra thay cho cối, thay cho không giật! Đồng ý là tiền quân của chúng chưa đến gần được vị trí của Minh để có thể mà chơi súng cối hay không giật được, thì chúng phải ráng chịu vậy thôi, chứ ba cái con “gà cồ” và đạn dược đâu mà sẵn thế để cho chúng mang ra “gáy” sảng khoái và thoải mái như thế này? Chuyện lạ chưa từng thấy à nhe, ít ra là đối với Minh!
Nói nào ngay, đây không phải là lần đầu Minh bị ăn 130 ly nếu đây quả thật là 130 ly, nhưng những lần trước là bị “ăn chung”, “đông vui” hơn với những đơn vị khác, lớn hơn và dềnh dàng hơn, như thế mới xứng với tầm cỡ của quả đạn và chi phí cho việc sử dụng nó. Những lần đó thường thì là, vì đạn nổ chưa gần, nên thấy khói bốc trước rồi mới nghe tiếng nổ. Lần này vì quá gần, nên nghe nổ trước rồi mới khói bốc sau, hoặc là gần như cùng lúc. Và lần này thì đúng là ăn một mình eng, không ăn chung với ai cả! Hà cớ gì chúng phải “tẩm bổ” Minh và cái nhúm người it ỏi này của Minh quá mạng đến như thế?
Thực tình lúc đó Minh chưa thể nghĩ ra nổi là địch đang lo dốc sức ba chân bốn cẳng, hối hả và hung hãn hơn lúc nào hết, hộc tốc xua quân tiến chiếm, quyết nuốt trọn miền Nam lần này cho bằng được, như thể sẽ không còn có lần nào khác thuận tiện, đúng thời điểm, và ngon ăn hơn như lần này. Do đó mọi toan tính ngăn cản, làm trì trệ hay làm vướng víu cuộc tiến quân thực hiện ý đồ đó của chúng đều phải được san bằng nhanh gọn bằng mọi cách, thế thì có bao nhiêu “đồ chơi”, cơ hữu cũng như lấy được của ta, ký ca ký cóp bấy lâu nay, chúng mang ra chơi láng, không có thì đi vay, chơi hết rồi nếu cần thì đi vay tiếp chơi tiếp, giá nào cũng chơi, mức lời nào “nhân dân” cũng phải đành chịu thôi.
Và thực tình lúc đó Minh cũng chưa sẵn sàng để hoàn toàn chuyển đổi nhận thức của mình về khả năng và tiềm lực quân sự của đối phương. Thường thì Minh có chịu học tập hay nghiên cứu quái gì đâu, cùng lắm là chỉ theo dõi thời sự chung chung đại khái là nay địch đã tiến tới đâu, và mai quân ta phản công như thế nào vậy thôi! Hễ mỗi dịp đi hành quân về là Minh cứ đi nhậu lai rai hết chầu này đến chầu khác thì lại đến đi chơi bời bậy bạ — thời buổi đó mà có si-đa thì thế nào Minh cũng “dính chấu” là cái chắc — lấy thế làm vui và đôi khi còn làm bảnh nữa: ta đây dân rằn ri sống nay chết mai, “hiện sinh” được lúc nào hay lúc nấy. Mà vào thời buổi đó, kể từ sau khi bắt đầu chiến dịch tái chiếm Quảng Trị, làm đếch gì có chuyện về hậu cứ để nghỉ ngơi và bồi dưỡng như trước đó. Rồi khi Quảng Trị tái chiếm xong thì xẩy ra việc ngưng bắn do Hiệp định ký kết tại Paris, mà theo sau đó nguyên cả sư đoàn tổng trừ bị trong đó có đơn vị của Minh, cùng lúc với một Sư đoàn tổng trừ bị khác được giữ lại mút mùa lệ thuỷ tại vùng địa đầu giới tuyến để ứng chiến, đề phòng mọi trường hợp bất trắc có thể xẩy ra. Trong thời gian này đơn vị Minh cũng có học tập, cũng có rèn cán chỉnh quân tại chỗ lai rai vậy, nhưng đó chỉ là cho có thôi chứ nhằm nhò gì, và nhất là đó lại cũng chẳng có ăn nhậu gì tới thực trạng của những diễn biến sắp tới tại mặt trận. Mà kẹt cái nữa là dù cho có học tập, dù cho có rèn cán chỉnh quân đến mấy đi nữa, nhưng vì chiến tranh nói chung và những hình thái trận địa cũng như kiểu cách đấm đá của nó nói riêng vốn dĩ là trăm biến vạn hoá, thì làm sao có ai đâu mà lường trước được để chỉ cho Minh. Khổng Minh hay Tôn Tử mà có tái thế, cũng đành bó tay, chứ nói chi ai, trong tình thế giờ thứ 25 lúc đó...
Do vậy, hầu như là lúc nào cũng thế, hiểu biết căn bản và chắc như bắp của Minh về đối phương là thuộc trường phái cho rằng do là con đẻ của khối cộng, mà khối cộng toàn là thứ nghèo không hà, thành ra cộng sản Việt Nam, mà lực lượng võ trang của chúng là một “bộ phận”, bắt buộc chăm phần chăm phải là dân “con nhà nghèo” chính hiệu con nai vàng, nghèo từ trong nghèo ra, nghèo từ trái sang phải, nghèo từ cây đinh cho tới đôi dép, khả năng hạn chế và chậm lụt, không thể nào có thể gọi là một đôi quân hoàn chỉnh hiểu theo nghĩa qui ước được... Khốn thay, ca-nông, cứ cho là 105 thôi, thay cho cối, bắn đến đít rồi mà Minh vẫn chưa vỡ lẽ ra rằng:
Mức độ ác liệt của cuộc chiến — do tính cách khẩn cấp và đột biến của tình hình cụ thể tại mặt trận — lúc đó đã được gia tăng triệt để, tối đa, và đều khắp. Nó được gia tăng, được chủ động bởi đối phương, thế mới đau chứ lị! Thì dạo sau này lúc nào mà chả thế, địch chủ động từ trong ra ngoài, từ Đông sang Tây, từ trên bàn hội nghị cho tới ngoài bãi chiến trường, địch chủ động láng, trong khi ta rơi vào thế thụ động, chỉ lo chống đỡ, mà chống đỡ có xong không thì lại còn là chuyện khác. Kìa Phước Long đi đoong một cách không kèn không trống, chẳng hạn. Rồi thấy Phước Long ngon ăn, chúng mới chơi tiếp Ban Mê Thuột. Rồi lại thêm cái sự kiện ta bỏ Pleiku rút quân trên Liên tỉnh lộ 7 một cách hỗn độn chết người, chết cả miền Nam, đã tạo cơ hội ngon ơ cho đối phương được thể làm tới mạnh mẽ thêm hơn, giống như thể là cỗ chùa đã dọn sẵn thì tội gì mà không nhào vô mà xơi, và cứ thế mà làm tới cho tới bây giờ. Tóm lại, có thể nói là tình hình cụ thể tại mặt trận, do đã tạo ra thời cơ cho địch và địch đã biết nắm lấy, là linh hồn trong việc góp phần vừa định đoạt “thế chiến quốc” mà cũng vừa định hình luôn diện mạo của cuộc chiến lúc đó. Từ đó, chẳng khác nào tình hình cụ thể tại mặt trận đã tạo ra thời thế, một thời thế vô cùng thuận lợi cho đối phương và rối rắm điên người cho quân dân miền Nam, thế có hãi hùng không chứ!
Dù nghèo thì nghèo chứ một khi đã biết nắm lấy thời cơ để rồi đùng một cái “hạ cờ tây” thôn tính miền Nam “trọn gói” luôn một mẻ như thế này, thì chúng phải lo chạy vạy để tìm cách gia tăng uy lực cho cỗ máy chiến tranh của chúng chứ! Điển hình nhất cho sự gia tăng này là sự “nâng cấp” hùng hậu trong vấn đề trang bị vũ khí đạn dược của chúng: đạn trọng pháo (105/130 ly) coi như đồ bỏ, cứ bắn tưới xượi, không sao cả, nô-xi-ta-oe, như nó đã và đang được đem ra xài để chuẩn bị “dập” phủ đầu cái đám quân con con của Minh đây là một bằng chứng hiển nhiên, cụ thể, và hùng hồn. Đâm ra, không khác nào, ít ra là trong cái giai đoạn lịch sử này, một cách vô hình trung, tự dưng đối phương bỗng đường đường chính chính một bước từ “con nhà nghèo” bước lên “con nhà giàu” cái rụp, trở thành một thứ không ‘‘dân chơi thứ thiệt” thì cũng là “dân chơi cầu ba cẳng”, chứ không thèm ba cọc ba đồng nữa. Cách đánh, từ đó, cũng đã được nâng lên hàng “hiện đại” và nhất là “xả láng sáng về sớm” hơn: như trong trường hợp cha con Minh đây, chúng cứ “vô tư” đem đại bác ra xài thay cho cối, không việc gì phải đắn đo hay thắc mắc chi cả, miễn sao là dứt điểm càng sớm càng tốt, lấy được cái gai ra khỏi mắt mới hả dạ. Và ý niệm điều quân cũng đã được “nâng cấp” theo: vẫn hăm hở tốc chiến tốc thắng, nhưng ham hố hơn bao giờ hết, sự “khẩn trương” của nó được chúng nhơn lên gấp nhiều lần, gần như là nay Ban Mê Thuột, một hai tuần sau Khánh Dương, rồi sau đó phóng tới Nha Trang, Phan Rang... cái vèo, chứ không chần chừ hay lưỡng lự gì cả. Nói chung là cỗ máy chiến tranh của đối phương, từ tham mưu cho tới trận địa, từ kế hoạch hành quân cho tới trang bị vũ khí đạn dược... đã được “siêu sạc” (supercharged), chứ không phải là “sạc” thường thường như mọi khi, để mà giáng những đòn chí tử không kịp trở tay cho quân dân miền Nam! Từ đó, tử thần cũng nhảy vô “ăn có”. Uy lực và phù phép của nó cũng được “nâng cấp” một cách khác thường. Nó truy đuổi sấm sét và tận cùng, cũng như càn quét dữ tợn, bén nhọn, bạo liệt và trùm phủ hơn gấp bội!
Minh đã đếch biết gì cả về sự gia tăng này, một sự gia tăng mà nếu đem ra so sánh thì nó đã khiến cho cuờng độ của trận Hạ Lào Lam Sơn 719 năm xưa — một cuộc hành quân đầy cam go và thử thách mà Minh có tham dự, có bị thương, và được trực thăng di tản khoẻ re — bỗng chốc trở thành ba cái lẻ tẻ, và ngay cả Mùa Hè đỏ lửa 1972 mới đây — một chuyến hành quân đầy cam go và đầy thử thách khác mà Minh cũng có tham dự, cũng có bị thương, và cũng được trực thăng di tản khoẻ re — có khi cũng còn thua.
Tóm lại, nó “chỉ” là sự gia tăng uy lực và cường độ của guồng máy chiến tranh, “đơn giản” thế thôi mà Minh nghĩ mãi vẫn không ra, thế có chết không chứ! Nó đến không báo trước. Nó xẩy ra lúc nào Minh làm sao hay, đến khi nó vận vào Minh rồi thì Minh mới biết, và biết chỉ để mà bắt đầu đặt câu hỏi cho... một chút thanh thản tâm hồn gọi là, kiểu như bông giấy trồng chơi trước ngõ... Khốn thay, điều này cho thấy rõ ràng là cuối cùng thì giữa lúc dầu sôi lửa bỏng như thế này, Minh vẫn như là người đang mơ ngủ. Đi đánh đấm như thế này mà mơ ngủ như thế thì chỉ có nước “thác”, rẻ lắm là cũng “ôm đầu máu” như chơi, và chiến bại chua cay kèm theo là những nhục nhã ê chề và những tan hoang đầy thảm hại là cái chắc. Thực vậy, sự mơ ngủ này sắp sửa mang đến tới nơi cho Minh nhiều hệ luỵ, những hệ luỵ vô tiền khoáng hậu. Minh sẽ phải trả giá cho sự mơ ngủ của mình, và trả giá rất đắt! Rồi ra, tiếng kinh cầu nào sẽ ru Minh đây, để chàng có thể yên tâm mà lo “gột rửa linh hồn” của mình, để mà sẵn sàng “rũ sạch nợ trần” một cách hân hoan phơi phới trên đường bước tới... ngõ cụt đang dang tay đón chào chàng phía trước!
Khi Minh còn đang ngỡ ngàng trước vấn đề giàu nghèo sang hèn thì một quả trọng pháo nữa nổ cái rầm gần hơn, đằng triền dốc phía trước, có nghĩa là đạn đi ngắn hơn một chút, như ngón tay đàn nhầm đã gõ một phím thấp hơn. Tiếng nổ to, chát chúa và gần Minh nhất từ nãy giờ. Khói, đất, xác cây lá và xác người lính gác của mình dưới triền đồi gần chỗ Minh bay lên. Xác người lính văng lên đã không còn nguyên vẹn, chỉ thấy như là một chiếc áo được ném lên không trung và tà tà rớt xuống một cách “buông thả”, giữa khoảng khói đen ngòm đang bốc lên mù mịt và khét lẹt... Người lính gác này, thằng Tân thì phải, là do Minh cho bố trí sáng nay, gác gần hơn lệ thường, sợ là ra xa, khi địch ào lên đông, nó sẽ dễ mất tinh thần. Mà lần này khi địch ào lên, bắt buộc phải đông là cái chắc, vì trước đó trung đội tiền đồn của đại đội của Minh đã thấy xa xa địch đang di chuyển ngờ ngờ, hết lớp này đến lớp khác, về phía Minh rất đông. May là đã có những phi tuần bom gửi lên cho Minh đánh chặn, nếu không thì sáng tới giờ chúng đã tràn xuống tới chỗ Minh đây rồi. Dần dà Minh hiểu ra là chúng đông đến nỗi phi tuần bom nhiều cỡ nào cũng không đủ, trừ khi là bom CBU, rẻ lắm thì cũng phải là B-52. Mà những thứ này giờ tìm đâu ra hả trời! Pháo binh 105 cơ hữu của Sư đoàn còn không thấy đây, ở đó mà đòi xi-bi-u với xi-bi-ơ. À mà tại sao từ hôm qua đến giờ, Minh thấy pháo binh nhà mình, những pháo đội trú đóng phia sau lưng Minh, coi như hoàn toàn vắng bóng? Đây là điều chưa từng thấy trong lịch sử đi hành quân của Minh, không nhẽ nó đã bắn hết đạn không tiếp tế kịp? Thường thì nó “gáy” bạo lắm chứ chẳng phải chơi, nhưng dạo sau này do cắt giảm viện trợ, đạn dược thiếu thốn và hạn chế — trong khi địch “nâng cấp”, thì ta giảm, từ “con nhà giàu” xuống thành “con nhà nghèo”, thế có oái ăm không chứ! — nó “gáy” yếu đi nhiều lắm. Nhưng dù gì đi nữa thì ít ra nó cũng phải cất tiếng lai rai cho phe ta lên tinh thần chứ. Đằng này nó im re. Buồn 5 phút!
Ngay chỗ thằng Tân gác cách đỉnh đồi, nơi Minh đang đứng, là không quá 10 thước. May là do địa thế đồi núi, nên đạn pháo khó trúng ngay đỉnh, nếu rớt chung quanh mà không quá gần thì người nằm trên đỉnh cũng không hề hấn gì. Nhưng rồi cứ cái điệu này, như đã nói trên, thì thế nào cũng sẽ có một quả trúng, nếu không ngay đỉnh thì cũng càng lúc càng sát cận. Cho nên Minh nghĩ đã tới lúc phải chui xuống hố để tránh pháo được chừng nào hay chừng nấy, có còn hơn không. Chàng bèn nhìn xuống dưới chân mình xem hầm hố cá nhân của mình đào tới đâu rồi. Nhưng chẳng thấy mẹ gì cả! Hoá ra hai ông thần mang máy truyền tin của Minh, thằng Mười và thằng Nhàn, từ hôm qua đến giờ, chẳng thằng nào chịu đào hầm đào hố như thường lệ cả để giờ đây cho Minh nhờ; mà Minh vì quá mải bù đầu lo chỉ huy, điều động các cánh quân của mình, rồi lại còn phải lo theo dõi và điều chỉnh các phi tuần A-37 được liên tục gửi lên cho Minh sử dụng, có chiếc cũng đã bị SA-7 dưới đất bắn lên nhưng không trúng, đó là chưa kể phải liên lạc với đơn vị bạn phía trước mà Đại đội của Minh dẫn đến tăng phái , vân vân..., đã quên, không để mắt tới. Bực quá, Minh chửi thề ỏm tỏi! Biết thế thì mang theo Sang, tay “Robert”[1] thân tín của mình, Minh nghĩ bụng, luôn lên đây thì khoẻ quá! Có nó đây thì chắc là Minh giờ này đã có chỗ để mà chui xuống tránh pháo... đỡ ghiền rồi bởi vì nó là chuyên gia hảo hạng đào hố cho Minh mà. Minh không mang theo Sang theo vì thông thường thì mỗi khi đích thân đến những vị trí hung hiểm như thế này, Minh thích để Robert và “bầu đoàn thê tử”[2] ở lại phía sau cho đỡ vướng chân vướng cẳng.
Chửi đã một hồi, Minh chợt nhớ ra là dạo sau này ít thấy lính tráng chịu đào hầm mỗi khi đóng quân như trước kia. Bộ tính địch tới là cười trừ sao? Rồi ra, nếu chẳng may bị vặn hỏi sao không chịu đào thì đa số lính tráng sẽ trả lời là tại xẻng. Mà quả thật kể từ ngày được phát xẻng nhựa, còn gọi là xẻng xếp, để thay xẻng sắt cán gỗ, cho gọn nhẹ — đây cũng là một hình thức xuống cấp về quân trang quân dụng do cắt giảm viện trợ — cái loại xẻng đựng trong bao mà một vài ông Tư Lệnh sau này hay đeo phía sau lưng làm cảnh, Minh ít thấy lính tráng năng nổ đem nó ra xài. Mà đúng thiệt, Minh đã xài thử chơi nhiều lần, xẻng này chỉ xài được cho đất xốp, đất thịt, chứ đất miền Trung khô cằn sỏi đá như tại cái chốt Minh đang đóng đây thì chịu thua, đào cả ngày tay sưng phù cả lên cũng không biết là xong được tới đâu.
Rồi khi Minh đảo mắt nhìn những “ông thần” khác chung quanh chốt thì cũng vậy thôi, chẳng thấy ông nào đào cho ra một cái hố cá nhân coi cho được cả. Mà nếu có đi nữa, thì hố cá nhân nào mà chịu nổi một khi địch đang muốn san bằng “đồi xanh thành đồi đỏ” bằng trọng pháo?
Rồi cái nữa là quân bộ đang đùng đùng kéo tới, có T-54 theo sau nữa là cái chắc, bởi vì cách chân đồi khoảng 100 thước kia là quốc lộ 21, đường nối Khánh Dương và Nha Trang, mà chuyển quân lớn kiểu này thì làm sao thiếu tăng được. Trong khi đó thì Minh coi như trơ trọi một mình, vì tuy là phía trước Minh còn có đơn vị bạn, nhưng nó rút đi tới nơi chứ chẳng phải chơi, bởi kế hoạch của quân ta hiện giờ chủ yếu là gài số de, hết đơn vị này tới đơn vị kia rút. Thế mới bỏ mẹ! Không lẽ ngồi đây chịu cảnh “khóc lẻ loi một mình”? Làm sao đây? Thôi thi kệ mẹ nó, tới đâu hay tới đó, chứ biết sao bây giờ? Hơi đâu lo!
Cuối cùng cái kiểu của Minh là vậy. Suy nghĩ của Minh chỉ có thế, đã quen là như thế, không thể khác. Đây là cái kiểu “tư duy” — thoái thác cho số phận — bình thường và gần như là chung nhất của bất cứ người lính dung dị nào khi lâm vào cảnh bế tắc.
Lần nào cũng thế, trăm lần như một, hễ mỗi lần lâm vào hoàn cảnh sắp sửa nguy to tới nơi như lần này, là y như rằng, Minh sẽ nhẫn nhục “tụng ca” lên câu đó trong đầu, để mưu cầu thêm nghị lực ngõ hầu có thể gồng mình cắn răng chịu đựng tình thế một cách “kinh qua” hơn, giống như một thứ kép độc trên sân khấu, dù đã bị đâm thấu phổi rồi mà vẫn còn ráng vô sáu câu cho bằng được, theo tinh thần “tôi ơi đừng tuyệt vọng”, đến khi đèn đỏ bật lên mới... tạm nghỉ.
Tuy nhiên, nghĩ là nghĩ vậy, nhưng Minh cũng quýnh cả lên. Bình thường thì không như thế, một khi đã “chấp nhận thương đau” theo kiểu tới đâu hay tới đó như trên, thì Minh coi mọi sự như nơ pa, rồi càng trở nên bình tĩnh hơn. Nhưng lần này thì khác. Bởi vì những lần trước Minh chưa có... bạn gái, lần này thì Minh đã bắt đầu biết... thả dê, nói cho văn vẻ là biết đến cái gọi là “hình như là tình yêu” vì cuối cùng sau bao năm tìm kiếm thì Minh cũng đã ngắm nghé được một em và em cũng có vẻ “chịu đèn” Minh. Hai người đã bắt đầu thư từ qua lại theo kiểu anh tiền tuyến, em hậu phương không Hùng Cường & Mai Lệ Huyền thì cũng Nhật Trường & Thanh Lan đâu đó. Cuối tháng rồi, Minh nhận được một cánh thư rất dễ thương của em, thư của nàng Minh đang còn cất trong túi áo để mỗi ngày rảnh rỗi lấy ra xem cho đỡ nhớ đỡ nhung. Lúc đó hai người chưa phải là đào kép của nhau chi cả, nhưng Minh đã bắt đầu cảm thấy chộn rộn như có một cái gì đó để mà háo hức, để mà đợi trông... Và đùng một cái, trong giờ phút nguy biến như thế này, Minh bỗng trở nên lâm ly và ướt át dễ sợ: tự dưng Minh thấy ước ao, thấy thèm được bước tiếp con đường tình dù mới chỉ là đang ở giai đoạn phôi thai nhưng lại ra chiều như là chứa chan đầy hứa hẹn, chứ không muốn thấy có “mệnh hệ” gì xảy ra nơi đây cho Minh cả... Và Minh quýnh lên với những ý tưởng đó.
Minh càng quýnh hơn nữa khi “vuuút.. đùng”, một quả trọng pháo nữa nhanh hơn sấm chớp bay vút qua đầu Minh và chạm nổ phía sau đồi. Lần này đạn đã đi dài hơn. Ngón tay đàn nhầm đã gõ cao hơn một phím. May phước!
May hơn nữa là đúng lúc đó Minh được lệnh từ Tiểu đoàn trưởng qua ống liên hợp nói với Minh là hãy bỏ vị trí và kéo đại đội lui về phía sau, tức là về phía đèo Dốc Cao, nơi cách đây vài bữa là chỗ đóng quân của Bộ chỉ huy Tiểu đoàn, nằm sát Quốc lộ; mà tình hình như thế này thì hiện giờ không biết cha con có còn đang đóng ở đó không? Nghe lệnh xong, Minh nói thầm trong bụng “Úi cha!”, và thở phào nhẹ nhõm, sao mà đúng lúc thế này! Rồi Minh cũng chẳng buồn hỏi điểm đứng hiện tại của Tiểu đoàn ở đâu cả, cũng như chẳng thèm hỏi rằng cánh quân của Minh sẽ cần phải lui tới đâu, và dừng ở đâu, địa điểm rõ ràng như thường khi. Hãy ra khỏi đây liền tù tì cái đã, Minh nghĩ, rồi tính gì tính.
Thế là cha con Minh hí ha hí hửng lui binh, không cần thắc mắc hay bận tâm gì cho nó mệt thêm về số phận của đơn vị bạn — đơn vị mà trong đó có Ngữ, một Đại đội trưởng như Minh, người bạn cùng khoá Thủ Đức và cùng khoá dù khi mới về binh chủng với Minh; Ngữ có người em gái mà Minh có lần cũng thấy khoai khoái mà không biết làm sao — đang “làm ăn” với địch phía trước như thế nào, sau khi cuốn xác của thằng Tân vô poncho, cho lên gánh. Trước khi gài số de, Minh cũng đã không quên ban lệnh cho các Trung đội của Minh mà Minh đã rải ra chung quanh để làm tiền đồn cho Minh từ hôm qua tới giờ lui về phía sau, gặp nhau ở đâu sau đó sẽ tính sau. Hôm đó là ngày cuối cùng của tháng 3/75.
Hai hôm sau, Minh đã không ngờ là cuộc đời của mình gặp phải đại nạn. Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa, tránh đại pháo phía trước thì đụng đại quân phía sau. Tất cả mọi sự hầu như đều sụp đổ theo sau đó. Đúng là tai trời ách nước, định mệnh đã an bài, không còn có thể đổ cho ai!
Sáng ra, cái buổi sáng đầu tiên của tháng 4/75, ngọn sóng thần do thời thế xoay vần bắt đầu dâng trào và đổ ụp lên đầu cha con Minh. Sự đổ ụp này “mở màn” vào cái lúc mà trong cảnh nắng xuân chan hoà và trong cái thời khắc tinh sương nhất của buổi sáng khi cây rừng còn chưa ráo sương đêm, Minh được các “ông thần” canh gác vị trí đóng quân kêu ra chứng kiến từ trên đồi cao nhìn xuống mặt đường và qua kẽ lá, cái cảnh địch đi phom phom, ngờ ngờ, và lềnh khênh đông ơi là đông dưới mặt đường như đang đi chợ. Chúng, súng ống ngon lành và đầy đủ hơn lúc nào hết, AK, B40, B41... cáu cạnh — trong khi ta lúc đó súng thì có mà đạn dược thì giảm thiểu tối đa do cắt giảm viện trợ — lăm lăm cầm nơi tay có, đeo vai có, áo quần, không mới mẻ mà cũng không cũ kỹ bụi đời tuy cũng còn có vẻ như từ trong rừng trong rú mới ra, đương nhiên là trông không mát mắt mà cũng không đến nỗi cùng khổ tối tăm, và đương nhiên phải là kha khá thùng thà thùng thình, xúng xa xúng xính, thì mới là đúng “mốt” của “mấy chàng” bởi vì cái “mốt” của “mấy chàng” là như thế mà lị, mặt mày “chàng” nào “chàng” nấy có vẻ đăm chiêu tư lự, bước đi không nói năng chi, chỉ lo tiến bước, có ngờ đâu thiên đường là trước mặt.
Và khỏi cần phải nói, đương nhiên là có tùng thiết đàng hoàng hẳn hoi. Xa xa, Minh đã nghe thấy những tiếng gầm gừ phát ra từ tiếng động cơ nổ và tiếng xích sắt nghiến trên đường của chiến xa đang di chuyển. Những tiếng gầm gừ này mỗi lúc mỗi lớn hơn. Chúng gầm gừ mà Minh nghe như chừng chúng đang cười sặc sụa một cách khoái chí. Chúng đang cười sặc sụa tự sướng mình eng hay đang cười sặc sụa vào mũi cha con Minh như thể là chúng đang biết cha con Minh đang kín đáo quan sát từ trong bụi rậm, và chỉ quan sát vậy thôi, chứ đếch dám làm gì chúng cả? Đến khi, một chiếc T-54 mà cái pháo tháp của nó vừa lọt vào tầm kẽ lá mà qua đó Minh có thể nhìn thấy được, đây là chiếc T-54 đầu tiên mà tận mắt Minh chứng kiến từ khi đứng nhìn nãy giờ, Minh cảm thấy mặt nóng ran lên, rồi tự nhiên chẳng nói chẳng rằng, quay mặt đi, không nhìn nữa! Động tác quay mặt đi đã nói lên cái cảm giác bị “quê độ” của mình, hay đúng hơn là cảm giác ô nhục lần đầu tiên mà Minh cảm thấy trong đời lính, làm cho Minh gần như bật khóc. Chưa lần nào trong trận mạc mà Minh lại như thế. Minh gần như bật khóc không phải vì bủn rủn tay chân do run sợ trước chiến xa hay trước sự kiện đối phương đang đi lềnh khênh dưới đường, mà khóc vì nhục nhã ê chề, khóc hận: thấy địch mà không dám nổ phát súng nào dù biết rằng “tránh voi chẳng xấu mặt nào” như chàng đang làm đây thì chẳng ai nỡ lòng nào mà trách cứ hay chê bai cả.
Ôi sao mà nhanh thê! Đúng là cảnh đổi đời mà cái đám của Minh đang là một trong những nhóm chứng nhân trải nghiệm đầu tiên, vào lúc miền Nam vẫn còn đang loay hoay chưa biết đối phó ra sao với cơn hồng thuỷ đang dâng tràn lên tới bến. Đúng là sự hình thành của cuộc đổi đời nghiệt ngã trong cuộc đời của Minh đang ở trong giai đoạn bắt đầu quanh đây.
Ôi tang thuơng chưa, bởi hôm nay đây, như có bùa phép, bằng một cái cựa mình hay một cái búng tay của nó, đùng một cái, thời thế đã tự động “hoá kiếp”, biến cái nhúm người của Minh thành một đám người khác hẳn.
Nó khiến cái nhúm người của Minh, như thể là một lớp người đã bị tước đoạt mất “căn cước”: mới hôm qua đây còn là một đơn vị tác chiến bình thường sẵn sàng giao chiến, mà hôm nay hành xử một cách lẩn trốn vì rõ ràng chỉ lát nữa đây thôi là Minh chỉ có nước lo dẫn quân đi trốn, chứ châu chấu thì làm sao mà đòi đi đá lại xe. Còn nỗi đau nhức nào hơn, mới hôm qua, còn đứng thẳng nhìn thẳng, đường đường đứng ra đương đầu với địch dù chỉ là bằng cách hướng dẫn phi tuần từ xa, dự phần vào việc làm nên khắc tinh của đại quân địch đang di chuyển, thì hôm nay cái đám của Minh do không còn khả năng đó nữa, phải co cụm và quay mặt.
Mới hôm qua còn “có nhà có cửa” đàng hoàng, thì hôm nay thành một đám cù bơ cù bất, không nơi nương tựa: cha con Minh đã hầu như không còn liên lạc được với bộ chỉ huy tiểu đoàn, nếu liên lạc được thì cũng chỉ liên lạc cầm canh, lúc được lúc không với cánh tiểu đoàn phó, còn cánh tiểu đoàn trưởng đã đi đâu mất tiêu. Lần nói chuyện chiều qua, lúc nhận lệnh rút bỏ khỏi cái đỉnh đồi bị ăn trọng pháo, là lần nói chuyện cuối cùng của Minh với tiểu đoàn trưởng. Chắc có lẽ giờ này các cánh quân đó còn phải lo trực tiếp đương đầu với địch bở hơi tai thì còn tâm trí và sức lực đâu để mà lo cho cái đám của Minh. Không liên lạc được với tiểu đoàn thì biết đường đâu mà đón nhận những phi tuần bom gửi lên, nếu có. Như thế là coi như Minh đã bị cắt đứt hoàn toàn về mặt yểm trợ, sẽ không pháo không phi gì cả, “xăng xú xăng xì”, tự mình lo liệu lấy thân.
Mới hôm qua còn đầy đủ tay chân, thì hôm nay đã trở nên cụt tay, cụt chân vì các trung đội tác chiến của Minh đã không gom lại được. Chiều hôm qua sau khi rời bỏ cái chốt bị ăn pháo đại bác, trên đường lui ra, Minh cũng chỉ gom được những thành phần còn lại của ban chỉ huy và của trung đội súng nặng vì hai cánh này ở chung một chỗ phía sau và gần Minh, cho nên Minh gom được, còn những cánh quân khác, vì hoặc là ở phia hông hoặc là ở phía trước xa hơn nên không gom được mà chỉ còn liên lạc được qua mày truyền tin. Những cánh này cho hay địch đã ít nhiều... xen vô giữa từ hồi nào không hay. Cho nên Minh đành bó tay, phải lệnh cho các trung đội này là hãy tự biên tự diễn mà tìm lấy đường thoát thân. Ngoài ra, trên đường lui ra hôm qua, cái cánh của Minh còn phải gánh thêm 4 xác đồng đội nữa. Bốn “ông thần” xấu số này thuộc trung đội súng nặng, có thể là do bị bắn nhầm bởi đơn vị bạn, đơn vị tiền phương nhất nằm phía trước, trước cả tiểu đoàn mà trong đó có Ngữ, khi đơn vị này rút ra từ tồi hôm kia. Họ rút ra cùng thiết vận xa M-113 và đi ban đêm trên đường quốc lộ. Vì đi ban đêm cho nên họ có quyền bắn loạn xạ bằng đại liên trên M-113 vào những điểm khả nghi hai bên đường đề phòng bị phục kích. Do đó ai nằm sát ngay mặt đường là có nguy cơ lãnh đủ. Bốn “ông thần” này, không hiểu sao ra nằm sát đường làm chi cho gặp nạn cả bốn ông. Đại liên từ trên M-113 mà bắn bứa phứa, thì người dưới đất chịu gì nổi. Đúng ra là cái toán này phải nằm ở trong sâu và trên cao theo chỉ định của Minh. Thế là lúc đó cánh quân của Minh ngoài việc không có trung đội tác chiến cơ hữu nào cả để mà đấm đá cho ra trò khi cần, còn phải gánh theo thêm tổng cộng 5 xác đồng đội, để rồi sang sáng ngày hôm sau Minh đành phải bỏ lại giữa rừng, trước khi kéo quân lên núi tìm đường thoát hiểm. Minh kéo lên núi vì nghĩ là do địch đang đi lềnh khênh dưới đường thì rút lên núi sẽ an toàn hơn, cứ lên trên đó đã rồi hậu xét.
Không gom được lính tráng của mình, nhưng Minh trưa hôm đó lại nhập chung với hai cánh quân bạn khác ở phía sau, trên đường rút lên núi. Còn hai cánh quân đây thì một cánh là thuộc tiểu đoàn của Minh, cánh này, quân số chừng hơn trung đội, đã lạc mất đại đội của mình, cánh khác, quân số khoảng hai đại đội, là cánh của tiểu đoàn trong đó có Ngữ, hôm qua đây họ còn nằm phía trước Minh mà nay đã nằm phía sau Minh từ hồi nào tài vậy.
Và cắc cớ thay, đây mới là tai hoạ, đại quân địch nào phải chỉ hiện diện ở ngoài đường lộ thôi không đâu! Rồi sắp tới đây Minh và toán quân của mình, cộng với hai cánh quân bạn kia sẽ rơi vào cái cảnh tứ bề thọ địch, bởi vì nơi rừng rậm núi cao mà Minh đang hướng tới cũng là nơi ém quân của một cánh quân lớn khác của địch, tối thiểu cũng phải cấp trung đoàn. Đúng là “tư tưởng lớn gặp nhau” — Minh chui vô rừng rậm để nấp, mà cái trung đoàn địch này đây thì cũng chui vô rừng rậm để “lặn sâu”, tránh bị phát hiện, chờ lãnh một nhiệm vụ mới, một cú ra đòn bất ngờ vào một địa điểm nào đó trong những ngày sắp tới chẳng hạn — và Minh đã dẫn quân đi một cách “tài tình” thế nào mà lại lọt ngay vào bộ chỉ huy của chúng. Nói không ngoa là Minh đang dẫn quân đi vào một nơi đầy những “ổ kiến lửa”, y chang như là một tử lộ! Và cũng nói không ngoa rằng hôm qua hôm kia gì đây, thì đây còn là vùng đất nhà, mà nay đã thành vùng đất địch. Đó lại cũng là do thời thế thôi, nó đang phù phép cho tai ương lan toả ra cùng khắp và bít bùng! Có nhúc nhích hay cựa quậy gì đi nữa thì Minh cũng đã chậm chân mất rồi, không còn lối ra nữa đâu mà mong, Minh ơi! Rõ cơ khổ và tội nghiệp cho Minh và đám đàn em và hai cánh quân bạn!
Đến buổi trưa hôm đó sau khi cha con Minh nhập chung với hai cánh quân kia xong xuôi thì cũng là cái lúc mà Minh phát hiện ra là cha con Minh đã hoàn toàn mất liên lạc với tiểu đoàn. Cánh ông phó cũng không, mà cánh ông trưởng cũng vẫn tiếp tục bặt tiếng. Chắc chắn là họ cũng đang “lủi” đâu đó như cha con Minh thôi. Thế mới biết thời thế — lại cũng thời thế nữa! — đã “hoá kiếp” cho một lữ đoàn dù gồm ba tiểu đoàn tác chiến và một tiểu đoàn pháo binh khoảng 1500 nhân mạng cả thảy thành một cái gì đó như thể chẳng đáng gì, đưa nó vô đây rồi chỉ để... lui ra, chứ còn gì nữa! Bởi vì rõ ràng là từ mấy hôm nay pháo binh thì im như thóc, còn 3 tiểu đoàn tác chiến của nó thì chỉ toàn là lo... de, mà de một cách khốn đốn chứ phải chơi đâu! Đây toàn là những đơn vị “chiến”, những đơn vị đánh đấm thứ thiệt, chính hiệu con nai vàng chứ đâu phải bỡn! Chính họ là những đơn vị đã góp phần không nhỏ trong việc tạo nên những chiến tích oai hùng, nào là Bình Long anh dũng, nào là Trị Thiên kiêu hùng... Chẳng hạn như cái tiểu đoàn mà trong đó có Ngữ là cái tiểu đoàn đã nhảy xuống “Đồi Gió” trong trận An Lộc hồi mùa hè đỏ lửa 1972 vừa qua, đã được tôn vinh và ngợi ca tưng bừng hoa lá trong văn học... Đem những thứ này vào đây làm chi để rồi giờ đây nó phải lâm vào tình thế có nguy cơ banh xà rông, tan thành mây thành khói, nếu de không kịp như trường hợp của cha con Minh và cái cánh quân hỗn hợp này đây. Cái nguy cơ banh xà rông tuy không phải là dễ như chơi, nhưng rõ ràng là đã và đang trở thành hiện thực, một hiện thực mà trong đó những diễn tiến của nó đã xẩy ra một cách nhanh như chớp, vì chỉ trong vòng khoảng một tuần lễ nghênh chiến là cao, thì họ đã phải... lui, nói nôm na là đã... chạy dài, và nói cho “sang” là họ đã “di tản chiến thuật”. Nói gì thì nói và ai đâu không biết chứ cha con Minh và hai cánh quân bạn đây sắp sửa sẽ phải xấc bấc xang bang với địch. Và theo sau đó nào là khốn khổ, nào là ảm đạm thê lương, nào là tan tác... Nói cho nó gọn là một dấu chấm hết! Có phải vào giờ chót, khi chợt nhận ra tăng cường một lữ đoàn dù vào đây chẳng nhằm nhò gì cả, người ta bèn cho nó rút ra, nhưng không còn kịp nữa, do đó ai ra được thì ra, ai chậm chân ra không kịp như cha con Minh và cái cánh quân tạp lục này đây thì ráng ở lại mà lãnh đủ?
Và lãnh đủ thiệt!
Để cho câu chuyện mau tới hồi kết thúc, xin vắn tắt những nét chính yếu của phần còn lại như sau:
Cha con Minh được chỉ định là cánh quân dẫn đầu của đoàn quân mới nhập chung dù trong tay chẳng có trung đội tác chiến cơ hữu nào cả. Minh cũng chẳng nề hà chi điều này vì bẩm sinh Minh không phải là dân lý tài, cò kè bớt một thêm hai để mà trình bày lên tiểu đoàn trưởng của Ngữ là tình trạng của Minh hiện giờ không có trung đội tác chiến nào trong tay thì làm sao mà lãnh nhiệm vụ đi đầu để đánh đấm cho đúng nghĩa được.
Rồi có lúc chính Minh cũng phải xông lên đi đầu của cánh quân vì lính tráng của mình đã phần nào mất tinh thần, sợ đi đầu khi chạm địch sẽ dễ bị “máng áo” trước tiên, mà “máng áo” vào giờ phút đó, nếu tử thương thì thôi không nói làm gì, còn mà chỉ bị thương thì có nguy cơ sẽ không được di tản nhanh chóng vì có liên lạc được với ai đâu đễ mà xin trực thăng tản thương. Chuyện đi đầu đi sau vào giờ phút cực kỳ thứ 25 này thì Minh cũng chẳng nề hà gì cả vì Minh biềt rằng đã tới lúc Minh phải đứng ra đi đầu để làm gương.
Đến chiều tối là bắt đầu chạm địch, và lúc chạm địch đúng là cái lúc Minh đang đi đầu. Và địch là người nổ súng trước. Bởi vì trong đêm tối chẳng ai thấy ai nên địch, đang nằm một chổ, chỉ cần nghe tiếng sột soạt phát ra từ sự di chuyển của cánh quân Minh là nổ súng. Và bởi vì chẳng ai thấy ai nên cũng chẳng trúng ai cả trong loạt đạn đầu mà địch bắn trước. Tự động lúc đó một “ông thần” của Minh từ phía sau nhảy ra phía trước che cho Minh, và định nổ súng lại về hướng địch, nhưng Minh đã kịp thời ngăn lại, không cho bắn. Chủ trương của Minh lúc đó là không muốn giao tranh mà chỉ lo lẩn tránh nên Minh chỉ ra dấu cho rẽ qua hướng khác. Và sau khi qua hướng khác thì lại cũng thế, cũng gặp địch, bị địch phát hiện, bị địch nổ súng trước. Như thế lại cũng chẳng nhằm nhò gì ai, nhưng rõ ràng là Minh không thể nhúc nhích gì được nữa rồi bởi vì đâu cũng có địch, nên đành phải nằm tại chỗ chịu trận, chờ sáng ra coi xem sao. Và thật ra lúc đó cũng đã khuya lắm rồi, lính tráng cần phải nghỉ ngơi, đó là chưa kể từ sáng tới giờ chẳng có ma nào có được hạt cơm vào bụng vì lương thực đã hết từ tối hôm qua, và lẽ ra là phải nhận tiếp tế lương thực vào lúc sáng nay mà sáng nay như thế thì làm sao mà tiếp tế với tiếp tung được.
Sáng hôm sau, khi hừng đông vừa ló dạng, thì tiếng địch đã hô vang trời “Xung phong, hàng sống chống chết!” và cứ thế lập đi lập lại, vừa hô chúng vừa tiến tới và vừa bắn xối xả về phía ta. Vậy là cha con Minh và cánh quân tạp lục đã không còn giấu giếm được vị trí của mình nữa. Rõ ràng là đối phương đã nắm chắc được đâu là vị trí của quân ta để mà mang quân tới tấn công và tàn sát. Thế là cha con Minh chẳng ai bảo ai — và lúc đó cũng không ai bảo ai được vì súng địch bắn rát quá là một, và vì không có đội hình dàn thành một phòng tuyền cố thủ là hai, bởi quá mệt mỏi đêm qua nên đã lơ là việc này. Đúng ra chẳng ai lúc đó nghĩ đến việc cố thủ cả bởi như thế là vô vọng, mà chỉ nghĩ tới lẩn tránh, còn lãn tránh được là lẩn tránh, cái thế trận của lúc đó nó là như thế, mà thế trận như thế là một thế trận tàn: tàn mạt và tàn lụi — người thì nằm lại bắn trả, nhưng bắn trả một cách yếu ớt vì nói chung quân ta lúc đó đã lâm vào thế yếu (của một kiểu thế trận tàn), đầy bất lợi, một số khác thì dạt ra phía sau. Những thành phần không chịu dạt cứ thế mà gục ngã dưới lằn tên mũi đạn của địch. Minh thuộc nhóm người dạt ra phía sau, vừa lui vừa nhìn ngoái lại phía trước để xem sự thể như thế nào để mà còn tính. Có lúc Minh thấy Trung sĩ nhất Hưu, Trung đội trưởng Trung đội súng nặng của mình, người không bao giờ lên được Thượng sĩ vì nhậu nhẹt tối ngày và mỗi lần say xỉn là mỗi lần quậy phá nên bị ký củ dài dài, do đó không lên lon nổi, người thuộc nhóm nằm lại để bắn trả, người tin là mình có bùa đạn bắn không bao giờ trúng, mỉm cười với Minh, như thể là cười lần chót... Người thì dạt ra một hồi thì không chịu dạt tiếp nữa, như một sĩ quan mà Minh đoán là Đại đội trưởng của Đại đội chỉ huy của Tiểu đoàn của Ngữ, đang dạt thì tự nhiên ngưng lại không dạt nữa, để rồi sau đó có lẽ nếu đã không tự kết liễu đời mình, thì cũng tử thương vì đạn địch. Những người bị trúng đạn, có người rên la thảm thiết, tức tưởi... Đúng là một cảnh tan hoang, thê lương, ai oán, và đầy thảm hại!
Minh dạt dược một lát thì không dạt được nữa, vì Minh và một tốp đồng đội khác chạy trước Minh dạt thế nào không biết mà lại dạt ngay vào một cái chốt của địch, cái chốt này như thể đang giữ nhiệm vụ chặn đuôi, bị những tay súng của cái chốt này bắn cho xối xả. Có những “ông thần” đang chạy dạt ngay phía trước Minh ngã gục vì loạt đạn này để cho Minh kịp thời nằm xuống. Thế là Minh không còn dạt đi đâu được nữa mà lại còn tiếp tục bị bắn xối xả một hồi bởi những tay súng của nút chận đuôi này dù là đã nằm im. May cho Minh là nhờ cây rừng rậm rạp nên chúng bắn là do nghe tiếng động sột soạt rồi đoán chừng mà bắn vậy thôi chứ chúng cũng chẳng thấy rõ Minh. Đạn đã băm xác cây lá và làm cho nó cứ thế mà rơi xuống người Minh tới tấp, và đất ngay phía trước chỗ Minh nằm do đạn cày cũng bắn lên mặt Minh tung toé. Ôi cái cảnh xác cây lá rớt lên người và đất bắn lên mặt như thế này đời lính gặp hoài. Quay qua quay lại Minh thấy Ngữ nằm ngay kế bên mình lúc nào không hay, ve cổ áo trận của Ngữ đã gỡ bố nó đi cái lon vải ba bông mai đen từ hồi nào. Những tiếng hô vang dậy “hàng sống chống chết!” xen lẫn với tiếng AK cứ thế mà tiếp tục. Nãy giờ nghe những thứ tiếng thúc hàng này hoài, Minh bỗng phát bực, bất giác la toáng lên: “Hàng... con cặcccc!”, chữ sau cùng hơi kéo dài, một tiếng chửi thề đúng lúc và đầy hào khí — cũng nên khen cho Minh ở cái điểm này — như thể là nếu không hét lên được như thế thì không thể nào chịu nổi nữa, phải la lên như thế mới trút ra được nỗi bực bội nãy giờ, tới đâu thì tới! Thế là đạn từ cái chốt nút chặn lại nổ về phia Minh tới tấp. Và thế là đất cát cây lá lại cứ thế văng vào người ngợm và mặt mày Minh tá lả, và may cho Minh là Minh vẫn không sao, và may cái nữa là chúng vẫn chưa cho người đi tìm Minh mặc dù Minh đã la lớn như vậy. Đây là tiếng hét mà sau nay Minh nhớ mãi và rất lấy làm khoái chí, ước chi lúc đó mình là Kim Mao Sư Vương trong Cô Gái Đồ Long của Kim Dung để mà có thể rống to lên hơn nữa, dẫu có trúng đạn nát thây bỏ xác tại núi rừng thì cũng ô-kê sa-lem!
Sau khi la như vậy rồi thì Minh cũng đành phải nằm im thôi, chứ chẳng thể làm gì hơn, và vẫn nằm kế Ngữ. Hai người nằm một hồi như thế, giữa lúc tiếng hối thúc ra hàng của địch còn đang vẫn còn tiếp diễn, xen kẽ với tiếng súng AK nổ vang từng đợt, thì Ngữ bỏ Minh nằm lại để ra đầu hàng địch. Minh nghe Ngữ, sau khi vừa bò ra khỏi chỗ Minh, lên tiếng về phía cái chốt chặn đuôi để xin hàng và được phía bên kia đáp lại một tiếng “Được!” gọn lỏn. Ui cha, thế có đau khổ chưa, bao nhiêu năm trường đấm đá để giờ đây phải như thế, nhưng biết làm sao hơn! Thôi, thông cảm cho Ngữ đi.
Rồi tới lượt Minh cũng ra hàng thôi. Khoảng chừng 5 phút sau khi Ngữ ra hàng, Minh cũng bắt đầu thấy không ổn nếu cứ nằm mãi như thế này, bèn đổi ý định, cũng muốn ra hàng, nhưng không hiểu sao Minh đã buột miệng xin hàng không phải cách. Không hiểu sao, cũng có thể là do quen tính trửng giỡn bông đùa chứ không phải là do ý đồ “hoà hợp hoà giải” hay “binh vận” hay do ý muốn xuống nước với đối phương, nịnh nọt chúng gì cả, Minh nằm sấp tại chỗ, buột miệng trông trổng như thế này: “Hàng nhé các đồng chí!” Liền tức thì bên kia vừa đáp trả lại bằng một băng đạn AK về phía Minh, vừa kèm theo một câu chửi thật lớn: “Ai đồng chí với mày!” Nhục ơi là nhục! Còn nỗi nhục nào hơn, muốn hàng mà chúng cũng chẳng thèm. Thế là Minh đành phải lại nằm im thôi. Bỗng Minh nghe tiếng rên la rất gần Minh của một tốp thương binh của mình, trong đó có tiếng của Thượng sĩ Quýnh, Thượng sĩ Thường vụ của Mình, một Thượng sĩ trẻ măng và mới hôm qua hôm kia gì đây còn được xem là một trong những Hạ sĩ quan đầy triển vọng nhất của Tiểu đoàn. Tiếng rên la mỗi lúc mỗi thảm thiết hơn. Những thương binh này bị thương và đã nằm tại đây từ hồi nào Minh cũng không hay cũng như khi nãy Ngữ đã nằm sát Minh lúc nào Minh cũng chẳng biết. Thế là Minh lại buột miệng một cách trông trổng về phía cái chốt nút chặn: “Cho băng bó thương binh nhe, rồi hàng!” May làm sao trong đó đáp lại một tiếng “Được!” gọn lỏn, như cái lần đáp lại với Ngữ. Thế là Minh tháo bỏ súng ngắn, địa bàn và bản đồ của mình vứt lại trong bụi, đứng dậy người không khơi khơi đi về phía Quýnh, định bụng để băng bó cho Quýnh và một vài thương binh khác. Nhưng khi còn đang dở tay băng bó cho Quýnh bằng băng cá nhân lấy từ trong người Quýnh, thì một “đồng chí thứ thiệt” từ trong rậm tại chỗ chốt nút chặn bước ra, tiến tới về phía Minh, tay lăm lăm AK, mặt mày vừa hầm hầm vừa lấm la lấm lét. Minh chưa biết “đồng chí” này sẽ muốn gì mình và các thương binh, thì nhanh như chớp “đồng chí” này đã giựt chiếc đồng hồ Ricoh chẳng đáng giá là bao đeo trên cổ tay Minh làm... “chiến lợi phẩm” riêng cho anh chàng. Sau này Minh mới biết là nếu anh chàng này không nhanh tay chớp trước lúc đó thì thế nào cũng sẽ bị mất phần bởi một “đồng chí” khác, “đồng chí” đó cũng sẽ ra tay trước như thế nếu thấy Minh trước. Thế là Minh bước đầu khi “về với nhân dân” đã bị vô sản hoá ngay tức khắc. Chớp cái đồng hồ của Minh xong, anh chàng này bèn gí súng vào người Minh, giải Minh lên cái chốt của anh chàng, không cho ở đó băng bó nữa. Tại đây, Minh gặp Ngữ, Nhàn và một vài gương mặt quen thuộc khác. Nhàn và những gương mặt quen thuộc này lâm nạn lúc nào Minh không hay. Ai cũng nhìn Minh với cặp mắt ái ngại. Minh nhìn họ với cặp mắt sửng sốt và đau lòng. Minh đã không bao giờ có thể ngờ được sự thể đã ra nông nỗi như thế này. Ôi, sao mà “chua” quá, Minh như muốn lắc đầu ngán ngẩm trong bụng! Tất cả bị trói hai tay quặp ra sau lưng và bị cho ngồi chồm hổm dưới đất. Rồi Minh cũng thế, cũng bị trói quặp hai tay ra sau, cho ngồi xổm xuống.
Ngồi đây đến quá trưa, sau khi tiếng súng đã hầu như êm, khi địch đã hoàn toàn thanh toán xong chiến trường, thì Minh cùng với Ngữ được giải về bộ chỉ huy của họ để thẩm vấn sơ khởi. Trên đường đi Minh thấy biết bao nhiêu là lính mình bị tử thương, nằm chết cong queo, thê thảm... Vừa đến bộ chỉ huy là Minh đã thấy Tiểu đoàn trưởng của Ngữ, và một Đại đội trưởng của Tiểu đoàn Minh. Cả hai không rõ đã bị bắt từ hồi nào, lon lá đều đã gỡ bỏ. Người Đại đội trưởng này là người đi với cánh Tiểu đoàn trưởng của Minh. Vậy là cánh Tiểu đoàn trưởng của Minh cũng có thể là đã đi đoong. Khi thẩm vấn Minh thì họ chỉ hỏi qua loa đại khái, chẳng đâu vào đâu, có điều buồn là khi họ lục túi áo Minh, thấy lá thư của người em gái hậu phương thì lá thư này cũng bị lấy đi mất. Không hiểu họ lấy nó đi làm gì!
Thế là tuy tử thần chưa “dzớt” được Minh, nhưng Minh cũng đã... trắng tay! Những ngày tháng trước mặt trong cuộc đời của Minh sẽ tiếp tục là những ngày tháng thê lương, ô nhục và đầy thảm hại!
Hôm đó Nha Trang hoàn toàn rơi vào tay địch.
Khoảng một tháng sau, Saigon thất thủ!
Chu Văn Hà
Monday, November 28, 2011
Ơn Cứu Tử
Chiếc phản lực cơ Boeing 767 của hãng hàng không US Airways nhẹ nhàng chất cánh khỏi phi đạo khi hoàng hôn xuống và giữa lúc bầu trời kéo mây đen đặc,lác đác mưa rơi. Những hạt mưa chiều theo với đà tốc độ tăng nhanh của tầu đang bay vút dốc nghiêng lên cao,như giận dữ đập mạnh vào hai hàng cửa sổ tròn dọc thân tầu rồi kéo dài thật nhanh xuống dồn lại phía sau và biến mất như trò cút bắt của tuổi thơ.Bầu trời dưới kia thật ảm đạm mây mùa che khuất cả cảnh vật làm tôi và Hạnh hơi thất vọng vì không sao nhìn nhìn rõ được thành phố Orlando sinh hoạt về đêm.
Bốn hàng ghế chật ních đầy người, không còn chỗ trống. Như có sắp đặt trước, chúng tôi không ngồi gần nhau như mọi khi.
Khi máy bay đến cao độ an toàn và lấy bình phi, từ hàng nghế hạng nhất, Hạnh vén màn nhìn về phía sau đuôi là chỗ tôi ngồi hàng ghế ngoài, mỉm cười gật đầu và tôi khẽ đáp lại bằng một dấu hiệu nhà binh cố hữu: ngón tay cái bàn tay phải bóp lại và đưa lên cao. Trong suốt cuộc phi trình, chúng tôi liên lạc với nhau bằng máy vô tuyến vi-ba. Sau nhiều lần đắn đo suy nghĩ, chúng tôi đã quyết định chọn giải pháp này để đề phòng không tặc và tự cứu tối đa cùng hỗ trợ đồng hành khi có biến trên không.
Chuyến đi lần này đã được dự tính từ năm ngoái nên không thể đình hoãn được nữa. Hạnh và tôi rời Florida kỳ này để làm một cuộc hành trình dài từ miền Đông sang trời Tây Bắc để dự tiệc cưới của cháu gái anh chị Đai Úy Phi-công Đào Vinh Quang thuộc Phi đoàn 213 trực thăng,Sư Đoàn I Không Quân Đà-Nẵng năm xưa.
Kể từ sau ngày biến cố thảm sát “đại khủng bố“
(macroterrorism) ngày 11 tháng 9, 2011, chúng tôi đã hạn chế di chuyển bằng đường hàng không. Nhưng sự chống trả mãnh liệt và cương quyết một mất một còn với không tặc của phi hành đoàn và hành khách trong phi vụ 93 của hãng United Airlines và gần đây nhất trong phi vụ 63 của hãng American Airlines trên đường bay từ Paris qua Miami (được 2 chiến đấu cơ hộ tống buộc đáp khẩn cấp xuống Boston an toàn) đã làm chúng tôi bớt lo ngại vì ngày nay người Mỹ đã tỉnh ngộ và quyết liệt dứt khoát với bọn khủng bố nói riêng và hiếu chiến sát nhân nói chung. Còn nhớ lúc xưa, cố chuẩn tướng Nguyễn Ngọc Loan xử tử tại chỗ ở Chợ Lớn một tên đặc công Việt Cộng trong Tết Mậu Thân 1968 đã bị nhân dân Mỹ (có bọn cò mồi phản chiến giật dây) lên án nặng nề là vô nhân đạo.
Nhưng ngày nay mọi người đã đồng ý và hối hận đã nhận định nông nổi sai lầm. Cũng đễ hiểu, vì người Mỹ đã có nhiều bài học đắt giá với cộng sản. Hơn nữa, lần đi này chẳng đặng đừng được vì còn một lý do hạn hữu tế nhị khác: Đại úy Quang và gia đình là ân nhân hiếm có trên đời mà chúng tôi không thể từ chối được vì mãi đến nay – và chắc là suốt đời – chúng tôi chưa bao giờ đền đáp được công ơn cứu tử ấy. Đối với tôi anh Quang là người xa lạ vì khác binh chủng. Được biết sau khi tốt nghiệp học bay bên Mỹ về, anh được đổi ra phục vụ tại phi đoàn 213 gần 6 năm thì gặp lúc Đà-Nẵng “di tản chiến thuật“ ngày 29-3-1975, mạng sống của tôi chỉ còn như bánh bèo lênh đênh giữa giòng nước lũ, rất bấp bênh không biết trôi dạt vê đâu xa tít mù khơi. Chính lúc thập tử nhất sinh này thì tôi gặp Quang như là một phép lạ và anh sốt sáng chở tôi về Sàigòn ngay ngày hôm đó mà không cần biết tôi là ai.
Số là tối 28-3-1975, tại Tổng Y Viện Duy Tân, phải xuống hầm tránh mưa pháo của quân cộng sản Bắc Việt (CSBV) để điều hành tản thương sau khi được mật báo toàn thể Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn I đã bí mật di tản từ chiều, tôi được Th/Sĩ Dương Bức, Trưởng ban Quân xa cho hay là đã nhờ Tr/Sĩ Xê bên SĐIKQ xin giùm một chỗ để về Sàigòn. Ý kiến rất mơ hồ, giữa một tình thế vô cùng tuyệt vọng vì Đà-Nẵng hầu như đã bỏ trống từ chiều, sau khi Trung Tướng Ngô Quang Trưởng đã bỏ xuống tầu Hải quân bên Tiên Sa (Hải Vận Hạm HQ 404), nên tôi không mấy tin tưởng lạc quan lắm.
Thế rồi sáng hôm sau, Xê theo lời năn nỉ của Bức đã lái xe jeep qua bệnh viện Duy Tân đón tôi, chúng tôi chạy bán sống bán chết cho kịp qua cầu Trịnh Minh Thế, vượt sông Hàn (vì có tin CSBV sắp phá cầu thì coi như hết đường thoát) để kịp chuyến trực thăng cuối cùng của Đại úy Quang cất cánh rời Đà-Nẵng. Niềm hy vọng thoát được tử thần để sống sót về Sàigòn nhìn lại, gặp mặt Hạnh và 2 cháu nhỏ (mà Th/tá Đỗ Hữu Nho, Trưởng đoàn chuyển vận đã giúp đỡ gửi về Sàigòn trước đó 4 hôm bằng một chuyến phi cơ vận tải C.130. Sau này tôi mới được biết thêm là Th/tá Nho vào giờ chót đã thoát về Sàigòn bình an không phải bằng tầu bay mà bằng …đường biển !!! Ơ đời sao có nhiều chuyện tréo cẳng ngỗng vậy? Chúng tôi từ đây lại mang thêm một cái ơn cứu tử nữa, biết đến bao giờ mới trả được? Những ân nhân này từ lâu đã phiêu bạt mấy phương trời góc biển, biết đến bao giờ mới gặp lại nhau?).
Xê đã lái xe jeep xả hết tôc lực như bay vùn vụt qua cầu. Chúng tôi phải cúi rạp mình xuống để tránh màn lưới đạn đỏ rực như chụp xuống đầu xe chúng tôi, theo tiếng nổ từ mọi phí không biết đâu là bạn, đâu là thù,khi xe vừa qua khỏi cầu chưa đầy 30 giây thì một tiềng nổ ầm chát chúa như sấm động vang lên sau lưng chúng tội. không ai bảo ai, chúng tôi không dám quay đầu ngó lại và đồng loạt mừng thầm: “ Thật là hú vía, đã thoát khỏi điạ ngục trần gian rồi!”, và biết chắc chiếc cầu “thân thương trong bao nhiêu năm vươn cánh dài chắp nối đôi bờ thương nhớ“ giờ đây đã gẫy sập!!.
Khi chúng tôi đến phi trường Non Nước thì tầu anh Quang đang quay máy. Người bu đông lại như kiến. Dân sự, quân sự lung tung loạn xạ ngầu. Ai cũng tranh giành lên tầu. Tôi nghĩ bụng: “chắc là mình đến số mạt như đồ chó đẻ rồi!” Qua lời giới thiệu của Xê, anh Quang chưa tỏ thái độ gì vì đang nói chuyện với người tài xế chiếc xe bồn của hãng Shell vừa tiếp tế xong cho tầu và anh Quang đã bằng lòng chở hai người cháu của anh này về Sàigòn. Còn anh ta thì ở laị.
Từ xa về phía An Hải và BTL Hải Quân Vùng I Duyên Hải, có những đợt pháo kích hỏa tiễn của CSBV từ đèo Hải Vân xuống gây nên nhiều đám cháy, khói lửa cao một vùng càng làm cho mọi người lo lắng bâng quơ. Nhìn lên tầu,thấy gia đình anh chị Quang đã đầy đủ. Chị Quang bồng một cháu bé gái nhỏ, ngồi phía sau lưng người phi công phụ, cạnh một cháu trai lớn hơn (và bây giờ chắc là đám cưới của cháu gái này, 27 năm rồi còn gì?. Tôi tự nghĩ như vậy).
Tôi đứng lùi ra xa và thất vọng nghĩ cứ tình thế này thì mình sức mấy mà được về Sàigòn? Sau một hồi dùng dằng mãi, bỗng anh Quang với vẻ mặt cương quyết hơn bao giờ hết rút khẩu Colt 45 bên hông chiã thẳng vào đám đông đang ngơ ngác và dõng dạc ra lệnh: “Tất cả hãy đứng ra xa, nếu không tôi bắn! Không ai được phép lên tầu hết. Tầu đã chở nặng rồi, không bay đuợc…” Tiếp liền đó, Xê cũng lên đạn khẩu M.16 và bắn một loạt chỉ thiên như để phụ họa lệnh của Quang và áp đảo tinh thần bọn người lạ mặt. Một lát, Xê giận dữ chĩa thẳng mũi súng vào một tên quân nhân đào ngũ đang mon men đến gần, rồi văng tục chửa thề: “Đ.M. mày có đi ra xa không? Tao bắn bỏ mẹ mày bây giờ. Đất nước này mất, tụi tao suýt chết cũng vì những thằng như mày…Tao biểu… mày có đi không?.
Trước thái độ cứng rắn dữ tợn bất thường của Xê, mọi người đều tỏ vẻ sợ hãi, kể cả tên lính đảo ngũ kia, bắt đầu đám người lạ mặt từ từ giãn ra xa.
Một lát sau, Xê ôn tồn bảo tôi:
Bác sĩ cứ an tâm, cứ ở đây đi với tụi tôi.
Vừa lúc đó, anh Quang nhìn tôi, gật đầu ra dấu bảo lên tầu.
-Cho ông này lên tầu!
Tôi thở phào một cái nhẹ nhõm. Hình ảnh Hạnh với bao nỗi lo âu ngồi cạnh hai cháu Thu-Nhi và Hoàng-Mai trong căn phòng trống lạnh ở nhà anh rể tôi lại hiện ra đậm nét trước mặt tôi. Tôi nói thầm qua màn nước mắt ràn rụa vì qúa cảm động trước lòng tốt của một sĩ quan SĐIKQ mà tôi chưa hề quen biết đã cho tôi quá giang về Sàigòn mà không có điều kiện gì, trong lúc tranh tối tranh sáng này, vì tôi biết có những người bạn cũ vào giờ chót đã bị hất hủi, xua đuổi và không được giúp đỡ gì cả, đành bị kẹt lại, bỏ vợ con bơ vơ, rồi chết trong những vòng lao lý của lò luộc người tù cải tạo ngập đầy biển đắng men sầu: “Hạnh ơi, em cứ yên tâm. Anh đã gặp qúy nhân Thiên Thần: Chiều nay anh sẽ có mặt ở Sàigòn. Anh sẽ về với em mãi mãi chứ không phải “Anh về với em rồi anh lại đi” đâu. Tôi bỗng phì cười vì không hiểu sao lại còn đủ sức và bình tâm mà khôi hài đến thế? Tôi tự trách mình sao lúc nào cũng tếu được cả và nghĩ đến phút vĩnh biệt Đà-Nẵng.
Tôi Nghẹn ngào và mừng rỡ bước lên tầu anh Quang. Chị Quang lại qúa tử tế ngồi xích lại sát bên trong để nhường chỗ cho tôi. Lòng sốt sáng giúp đỡ tận tình của anh chị Quang đã lại thêm một lần nữa làm cho tôi quá xúc động cảm kích, nhất là trong những lúc này, khi tình đời đã lạnh nhạt. Duyên đời ấm lạnh. Thế thái nhân tình hững hờ.
Trời ơi! Tôi biết viết gì tuyệt vời hơn để diễn tả hết nỗi lòng ray rứt qúa cảm động của tôi lúc đó đối với tấm lòng tốt hiếm qúy của anh chị Quang, thái độ bao dung nghĩa hiệp, hành động cao thượng cứu tha nhân của phi hành đoàn trên con tầu sắp rời vùng đất chết, những người cuối cùng về từ miền đất chết.
Thiếu úy (không nhớ tên) phi công phụ đã quay lại nhìn tôi – trong lúc tay vẫn giữa chặt cần lái điều chỉnh cánh quạt quay với đôi mắt thật nhân từ - đôi mắt chan chứa tình người – mà mãi mãi đến nay tôi vẫn còn nhớ như in một kỷ niệm ngọt lịm tươi mát thời thanh xuân. Bởi vì không có thái độ bao dung đó thì không biết ngày nay tôi đã ra sao và chắc chắn không bao giờ có cơ hội về họp mặt hôm nay.
Ngòi bút của tôi qúa bất lực. Trong thị trường chữ nghĩa hôm nay, rất nhan nhản những ngòi bút vô liêm sỉ mất hết chức năng con người, mê muội đề cao những cái chết thối tha, thi vị hóa và thần thánh hóa một cách trắng trợn phi lý, vô nghĩa những tên Việt gian cò mồi hạng bét đã từng “chươi trộm đá chùng” những người anh hùng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã từng bảo vệ, bao che chúng trong suốt cuộc chiến, để chúng phè phỡn, nghênh ngang hội họp ăn nói vung vít ngày nay ở hải ngoại, mà không bao giờ thấy chúng đả động đến những nghĩa cử cao đẹp của những người vô danh đã từng âm thầm ban phát cho chúng. Thật đáng buồn !
Ngày nay, mỗi lần ôn lại chuyện cũ, chúng tôi không bao giờ cầm được nước mắt và mỗi lần cầm bút để hoàn tất trường thiên hồi ký của đời mình thì hình ảnh những ân nhân cũ lại hiện ra và tôi đã tôi nhắc lại không biết bao lần, thế mà vẫn chưa đủ những qúy danh như anh chị Đào Vinh Quang, Đỗ Hữu Nho, Bức, Xê… và những người còn lại trên chiếc trực thăng định mệnh kia không biết bây giờ trôi dạt đến phương trời nào? 27 năm rồi. Vào tù ra khám trong lò luộc người cuả CSBV, vật đổi đời tứ tung, kiếp người lưu vong lận đận, lênh đênh nổi trôi với hai bàn tay trắng dệt lại cuộc đời và làm lại từ đầu con người mới, xây dựng tương lai mới cho con cháu, chúng tôi đã bỏ nước ra đi sau những lần “vượt biên nhất chín nhì bù“ thế mà tâm nguyện đền đáp công ơn người ân nhân cứu tinh cũ vẫn chưa trọn vẹn. Lắm lúc tự an ủi mình, tôi thầm nhắc đến một câu triết lý rẻ tiền của một nhà mô phạm dở hơi Phương Tây để ngụy biện: “hăm hở trả ơn cũng là một sự bội bạc”. Thế rồi từ nhất định sẽ làm hôm nay đã biến thành “nhị định”, rồi tam, tứ định…” ngày lại ngày, tháng qua tháng, vẫn chưa hề thành tựu. Mãi đến nay, cái ngày đó vẫn còn như “vô định”. Vô định đến bao giờ? Tết Congo chăng? Cho đến hôm nay, dịp may ấy đã đến. Anh chị Quang đã cẩn thận gửi thiếp mời báo hỷ từ mấy tháng trước và thỉnh thỏang lại gọi điện thọai nhắc nhở cầm chừng. Anh Quang còn chu đáo hỏi giờ đến phi trường Seattle. Chúng tôi nghĩ đây là một dịp để tỏ lòng biết ơn của mình với mọi người, đối với bà con trong hai họ quen và lạ.
“Người ta không thể tắm hai lần trong một giòng sông” áp dụng vào trường hợp chúng tôi chỉ đúng một nửa. Bỏ Đà-Nẵng chạy về Sàigòn rồi bỏ nước ra đi mang nặng kiếp lưu đầy tha hương như “người Do Thái lang thang”. Chúng tôi hết mong ngày trở lại khi chế độ hà khắc “Xiết Họng Che Nanh” đang còn bóp cổ đè đầu dân lành, nhưng ngày gặp lại ân nhân cho dù xa cách ngàn trùng vẫn có cơ hội tái ngộ.
Chúng tôi đã vượt trùng dương về thăm anh chị Quang, anh chị Hốt, Ông Cụ, các cháu và nhất là gia đình Bảo rất sâu đậm cảm tình, năm xưa tôi là khách cuối cùng trên chiếc trực thăng vượt chết của anh Quang khi các phi trường Đà-Nẵng, Cù Hanh, Nha Trang bắt đầu đóng cửa thì hôm nay tôi và Hạnh là những người khách viễn phương trong ngày vui trọng đại của cháu gái.
Chạy thóat vùng tử địa như một điạ ngục trần gian để tìm về sinh lộ như cảnh thiên đường ở hạ giới. Ôi hai cảnh đời trái ngược, hai hoàn cảnh éo le lắm lúc đã làm cho người trong cuộc buồn hiu hắt, khi nghĩ đến thân phận trên đoạn đường đã qua.
Và chắc là thực khách – kể ca cô dâu – cũng không bao giờ ngờ được người “hành khánh bất đắc dĩ tốt số may mắn” năm xưa ngồi cạnh bé gái kháu khỉnh đang ru mình trong tay mẹ bây giờ lại ngồi đây trong một cao ốc rực rỡ ánh đèn mầu, giữa một rừng người lộng lẫy tao nhã?
…Sau một hồi trao đổ chuyện gẫu qua máy âm thoại, Hạnh và tôi đã ngủ thiếp đi trong tiếng động cơ trầm đều ở cao độ an toàn. Mãi đến khi đèn trong tầu bật sáng, chúng tôi mới giật mình nhìn lên thấy hộp đèn “buộc lại giây an toàn” chớp lia lịa thì mới biết là đã đến nơi và tầu sắp hạ cánh.
Tiếng động cơ giảm dần và tầu bắt đầu hạ cao độ để xuống thấp dần. Máp âm thoại trong sắc tay vang lên một điệu nhạc buồn quen thuộc. Tiếng Hạnh trong trẻo như bài thơ hoa đào:
-Anh, dậy thôi. Sắp đến rồi.
-Ôkê!
Chúng tôi đã quy ước và tìm ra một “chân lý mới” để chống không tặc mỗi lần di chuyển bằng phi cơ kể từ sau 11 tháng 9 / 2011: Không ngồi sát nhau như mọi lần mà ngôi riêng rẽ ở mũi và đuôi tầu. Thêm vào đó, trong thời gian qua, Hạnh và tôi đã theo học những lớp dậy võ tự vệ, những giờ huấn luyện nhu đạo và thái cực đạo về những thế cận chiến để bảo vệ và tự vệ, áp đảo và vô hiệu hóa những đòn tấn công của địch thủ. “Hãy tự bảo vệ mình trước đã” (protect yourself first) trước khi tìm đến công lý Mỹ. Đó là câu kinh nhật tụng của chúng tôi, một kinh nghiệm sống mà một ông Mục sư nọ đã từng rao giảng trong một bữa cầu hồn ngày chúng tôi mới đặt xuống phi trường O’Hare. Năm xưa, thầy Du đậy vạn vật cũng nói: đánh vào sinh điểm Flourence sau ót là chết.
Sau một hồi tròng trành vì áp lực khí quyển gia tăng vì cơn lạnh mùa đông vừa ập tới, con tầu 767 đã nhẹ nhàng lướt trên phi đạo phẳng phiu chạy đài như vô tận, giữa hai hàng đèn hiệu xanh đỏ nhấp nhánh liên hồi. Tôi nhìn đồng tay: 3 giờ sáng địa phương. Tôi lẩm bẩm:
Bây giờ Florida đã 6 giờ. Thiên Hương đang sửa soạn về Miami để thi ra trường. Mau thật!
Hành khách bắt đầu lục tục chuẩn bị hành lý xách tay và nối hàng để ra thông lộ. Ai cũng tỏ vẻ hân hoan mừng rỡ vì chuyến bay đã an toàn, mặc dầu buồn ngủ.
Ra khỏi tầu, Hạnh bàn với tôi, đổi ý: Thôi anh ạ, mình nên thuê xa về khách sạn nghỉ cho tự do chứ đừng phiền anh chị Quang lên đón làm gì . Nửa đêm mà đón với đưa gì cho mệt người ta. với lại nhà đang bận việc, không nên bầy việc thêm vô ích cho người ta. Anh nghĩ thế sao? Hơn nữa, em cũng muốn dành cho anh chị Quang một sự ngạc nhiên thích thú cho vui.
Nghĩ sao? Tôi còn biết nghĩ sao nữa? Xưa nay “lý lẽ của phái yếu bao giờ cũng mạnh cả” chứ không phải như một “nhà hiền triết” nào vốn xuất thân tư Quốc Học Huế từng phán “La raison du plus faible est toujours la pire” (lý lẽ của kẻ yếu bao giờ cũng xấu cả!) Vì thế tôi chỉ biết ngoan ngoãn gật đầu biểu lộ đồng tình cho yên chuyện. Bàn qua bàn lại chi cho thêm rắc rối phiền nhiễu về một chuyện nhỏ nhen lẻ tẻ không đi đến đâu. Nghĩ thế tôi bèn lặng lẽ giao hành lý cho Hạnh đứng canh và theo thang máy qua bên kia đường thuê xe Avis.
Chúng tôi về đến khách sạn gần đó, giữa phố, khi tuyết đã bắt đầu rơi nhẹ. Trời lạnh 20 độ âm. Xếp đặt hành lý và thay quần áo xong, Hạnh và tôi rã rời vì mệt nên vừa đặt lưng xuống giường nệm ấm là ngủ ngay một giấc cho đến sáng 9 giờ mới dậy, vì người bồi phòng lên báo cáo có khách đang chờ gặp ở văn phòng. Tôi nhìn Hạnh ngạc nhiên. Hai đứa nhìn nhau thật lâu ngầm tự hỏi không biết ai?
Khi xuống đến phòng khách, chúng tôi mới bật ngửa vì người khách lạ đó chí là anh chị Quang. Mừng rỡ sau một thời gian dài mới gặp lại, chúng tôi chỉ biết im lặng ôm nhau mà thổn thức.
Một lát sau, anh Quang mới trách:
-Sao đã giao ước trước mà đêm qua anh chị không gọi phone cho chúng tôi lên đón?
Tôi và Hạnh chống chế: tầu bị trễ 2 tiếng và vì đến đây khuya quá nên không muốn làm phiền anh chị… Tụi này cũng định dành cho anh chị một chút ngạc nhiên chơi.
Chờ hoài không thấy, chúng tôi gọi đến nhiều khách sạn trong vùng để kiểm chứng…Mãi sáng nay mới tìm ra được anh chị ở đây đấy. Thật là báo đời. Chắc tối nay phải bắt đền anh chị uống thật nhiều để bù lại mới được!
Chị Quang tiếp lời: Anh chị là người khách đặc biệt từ xa đến tối nay đấy. Vì anh viết báo cứ nhắc đến tụi này hoài nên nhiều người thắc mắc muốn nhìn thấy tận mắt tác giả là ai. Vì thế anh chị mà qua được là một điều vui sướng cho chúng tôi đấy. Tối nay chúng tôi sẽ giới thiệu với mọi người.
Tiếng người xướng ngôn viên dõng dạc trầm hùng trên bực máy vi âm sang sảng như tiếng chuông đồng:
-Kính thưa quí vị hiện diện. Để tranh thủ thời gian, chúng tôi xin phép hai họ và quí vị trân trọng kính mời Cụ cao niên thân phụ ông Đào Vinh Quang đại diện họ nhà gái lên khai mạc buổi dạ tiệc cưới hôm nay.
Căn phòng rộng bỗng sáng rực lên như hội hoa đăng với những tràng vỗ tay ròn rã. Mọi người đồng loạt đứng lên như để chào đón một nhân vật quan trọng.
Một tràng vỗ tay nữa lại vang lên khi cụ thân sinh anh Quang vừa dứt lời. Tiếp theo là thủ tục giới thiệu họ hàng thân quyến hai bên nhà trai và nhà gái như thường lệ và sau cùng là phần trình điện chú rể và cô dâu với quan khách. Những tràng pháo tay vang dội náo động hội trường tiếp nối mãi bất tận tưởng chừng không bao giờ dứt.
Tiếp theo là phần nhập tiệc với những món ăn thuần túy Việt Nam ba miền, xen lẫn với những màn trình diễn văn nghệ thuần túy cây nhà lá vườn.
Khi buổi tiệc gần tàn, tôi bỗng được mời lên phát biểu ý kiến vì là người khách viễn phương độc nhất đã bay từ Đại Tây Dương qua Thái Bình Dương để chia sẻ nỗi vui mừng với họ nhà gái.
Tôi ngỡ ngàng chậm trãi bước lên diễn đàn với bao nỗi nghẹn nghào.
-Kính thưa hai họ, kính thư qúi liệt vị, kính thưa gia đình anh chị Quang. Thật là một vinh dự lớn lao cho riêng cá nhân tôi, tối hôm nay được bộc lộ nỗi niềm biết ơn cứu tử của tôi đối với lòng bác ái vị tha của đại úy Đào Vinh Quang thuộc Phi đoàn 213 Song Chùy đã cứu giúp tôi vào lúc tuyệt vọng vô phương trông cậy, nhờ vả vào những cấp lớn mà tôi tường quen biết trươc đó, trong hoàn cảnh thật kinh hoàng, xáo trộn vào những giờ phút cuối cùng di tản khỏi thành phố Đà-Nẵng, mạng sống con người lúc đó thật mong manh,mật mạng như chơi.
Một người mà tôi chưa hề quen biết, nhưng đã hết lòng giúp đỡ tận tình đưa tôi về Sàigòn sum họp gia đình trên chuyến tầu chót của anh, khi Đà Nẵng thất thủ ngày 29 tháng 3 năm 1975, nếu không có ngày hôm đó thì chắc chẳng bao giờ tôi được hân hạnh may mắn ngồi đây… Hai mươi bẩy năm qua rồi, trên bước đường lưu vong, tôi chưa có gì đền đáp lòng tốt của anh Quang mà dẫu có một gia tài ngàn vàng đồ sộ cũng không bao giờ đổi được.
Tôi vừa nói đến đó thì khựng lại vì tắc nghẹn, thổn thức, đứng im như pho tượng, gục đầu xuống ngất xỉu vì cảm động qúa. Hai hang nước mắt tuôn ra dầm dề như hòa nhịp với cơn mưa tuyết vừa đổ xuống ngoài trời.
Anh chị Quang vội lên dỡ tôi xuống và dìu vào ngồi ở hang ghế bên trong.
Hạnh thấy vậy liền lên máy vi âm tiếp lời để mọi người khỏi hiểu lầm:
Chúng tôi thành thật xin lỗi qúy vị đã kể lại một câu chuyện buồn, một “ơn nặng tình sâu” mà từ bao lâu, hễ mỗi lần nhắc lại là không cầm được nước mắt. Nhưng đó là chuyện thật, một kỷ niệm hãn hữu mà chúng tôi nguyền ấp ủ suốt đời.
Và chúng tôi nghĩ rằng nếu hôm nay không được bộc lộ ra thì sẽ không bao giờ có dịp nữa. Xin tạ lòng thông cảm của qúi vị quan khách,hai họ, và đại gia đình anh chị Quang. Trân trọng cám ơn qúi vị.
Mọi người giữ yên lặng, trầm ngâm, không một tiếng động, như cùng để lòng lắng xuống để hình dung ra những cảnh chạy loạn, di tản trong những ngày đầu năm 1975. Cả phòng tiệc im lặng như tờ một lúc lâu.
Rồi như trong giấc mơ, tôi nghe tiếng chuyển động ở các hàng ghế và mọi người không ai bảo ai lặng lẽ đứng lên cáo biệt ra về.
Giây phút cuối cùng đã dành cho chúng tôi một bất ngờ thú vị: Cô dâu đã tự động đến cài lên ngực áo Hạnh và tôi một đóa hoa hồng nhung thơm ngát. Ngoài trời, cơn mưa tuyết đã dứt. Bấu trời như sáng hơn. Tôi tưởng tượng mùa xuân đang về đâu đậy.
Phụng Hồng
Winter Park, Florida
Khóa 6/68 gặp nhau tại Maryland
Friday, November 25, 2011
Hình ảnh Khóa 6/68 Colorado
Monday, November 21, 2011
Hồ Trọng Anh Đại đội 63
Tuesday, November 15, 2011
Khóa 6.68 gặp nhau ở Atlanta, Georgia
Hình ảnh Khóa 6/68
Tình đầu
Huy Văn
Tôi càu nhàu với anh bạn:
- Hút thuốc lá là chuyện phiền toái lắm rồi, anh còn chọn cái hiệu Benson & Hedges khiến chuyện trở nên rối rắm hơn, làm ơn hút thuốc Marlboro hay Winston có được không?
Bạn tôi trả lời, chắc như đinh đóng cột:
- Ngày xưa tại sao anh cưới vợ anh? Cưới cô khác được không?
Tôi nghe bạn nói mà tưởng mình đang ngậm trái bồ hòn.
- Thôi được rồi, bây giờ anh ngồi đây kêu cà phê và một gói Marlboro cho tôi, tôi sẽ đi lại cái chợ ở góc đường mua thuốc cho anh.
Trước khi đi tôi còn cố vớt vát chút đỉnh:
- Mà nè, cả chục năm rồi, tôi với anh ngồi ở quán cà phê Loan có sao đâu, bỗng dưng hôm nay anh lại kéo tôi đến đây. Có đi tới đâu thì dân nghiện thuốc mhư bọn mình cũng chỉ cà phê vỉa hè mà thôi.
Tôi đi dọc theo hè phố về phía chợ, sáng thứ Bẩy chẳng có gì phải gấp gáp, cứ nhẩn nha mà đi. Từ xa tôi đã thấy dăm ba bà bán rau tươi ngồi trước cửa chợ, hình ảnh khá quen thuộc đối với người Việt ở thủ đô tỵ nạn, quen đến nỗi nếu thiếu mấy bà bán rau trước cửa thì ngôi chợ hình như mất hẳn sinh khí.
Tôi không dám vơ đũa cả nắm, nhưng có lần tôi tình cờ thấy một bà cụ bê rổ rau từ sau cốp xe Mercedes đời mới đến ngồi trước chợ bán. Cậu con, (tôi đoán vậy) thừa biết rằng nếu gặp buổi chợ đông, mua may bán đắt, bán hết rổ rau cũng không đủ tiền xăng cho chiếc Mercedes 8 máy uống xăng như rồng hút nước, chưa kể chuyện cái sân cỏ xanh tươi được cắt tỉa gọn gàng phía sau nhà bị bà cụ thuê người cuốc lên để trồng đủ thứ nào là rau đay, rau muống, hành, hẹ, bầu, bí,...
- Mua rau đi ông!
- Cà pháo mới hái, trong chợ không có đâu!
Vừa định bước vào chợ, tôi lặng người quay đầu nhìn lại một lần nữa cho rõ, có phải chị ngồi đó bên cạnh mớ rau mồng tơi hay không? Bao nhiêu năm rồi gương mặt, đôi mắt, sống mũi ấy đã chiếm một chỗ không nhỏ trong trái tim của tôi. Thời gian qua có làm đổi thay ít nhiều, vết chân chim lờ mờ nơi đuôi mắt, mái tóc điểm vài sợi bạc, làn da không còn mơn mởn như độ nào, thế nhưng cái nốt ruồi Cindy Crawford trên khóe miệng là một đặc điểm khiến tôi tin chắc rằng mình không thể nào lầm lẫn.
Mồ côi mẹ đã là một mất mát lớn cho tôi, ba tôi vì bận công việc làm ăn, lấn cấn với cái cảnh gà trống nuôi con cho nên ông gởi tôi vào nội trú ở Đà Lạt. Cuộc sống kỷ luật khắt khe của nội trú khiến tôi hụt hẫng, nỗi đau mất mẹ chưa nguôi đã kéo theo cái buồn vắng cha, ba tôi vẫn còn đó thế nhưng tôi cứ ngỡ mình mồ côi cha lẫn mẹ.
Tôi lớn lên trong lẻ loi đơn độc, cằn cỗi như một cây khô giữa sa mạc hoang vu, nắng cháy. Như một cây xương rồng, tất cả lá đều biến thành gai để chống lại sự thoát nước, tôi sống thu mình trong thế giới nhỏ bé của riêng tôi mà trong đó hai chữ gia đình nghe chừng như xa lạ không có thực ở ngoài đời.
Mùa Hè năm ấy, như thường lệ, tôi có 3 tháng để trở về sở trà của ba tôi ở làng An Mỹ, một cái làng nhỏ cách Bảo Lộc khoảng 15 cây số. Tôi bám riết theo ông như hình với bóng, bất kể nắng mưa hay sương gió, rong ruổi cùng ông trên chiếc xe hơi thùng cũ rích còn sót lại từ thời Pháp thuộc chạy xuyên qua những đồi trà bạt ngàn, xanh ngắt trải dài đến tận cuối chân trời.
Tôi thích chiếc xe thùng, khoái tiếng máy nổ như bò rống của nó. Chiếc xe như con ngựa chứng đang chạy ngon lành nó có thể hộc lên vài tiếng rồi nằm lì ra đó. Gặp những dịp may như vậy, tôi lăng xăng như gà mắc đẻ. Tôi muốn chứng tỏ cho ba tôi biết là tôi có thể giúp đỡ ông trong mọi công việc với chút hy vọng hão huyền là ông sẽ không gởi tôi vào nội trú nữa.
Một buổi chiều nọ, khi tôi và ba tôi từ đồn điền trở về, ông vui vẻ kể cho tôi nghe những khó khăn, nhọc nhằn khi phải chăm sóc một đồn điền, từ lúc cây trà còn là hột giống trên cây cho đến khi lá trà được xấy khô rồi... rồi... ông nín bặt.
Trước sân nhà tôi, bốn chiếc xe vận tải lớn, rải rác chung quanh kẻ đứng người ngồi có đến vài chục, tôi đọc được mấy chữ kẻ dọc theo thân xe: “Đoàn Cải Lương Mai Lan” . Tôi thắc mắc:
- Chuyện gì vậy ba?
Hình như ba tôi còn nóng lòng hơn tôi, ông đạp mạnh thắng, vội vàng tắt máy xe rồi đi thẳng vào nhà quên cả tôi và quên luôn việc phải đóng cửa xe. Khi tôi vào đến nhà đã thấy ba tôi đang ngồi nói chuyện với khách.
Ông khách nói năng nhỏ nhẹ, lịch sự và lúc nào trên môi cũng sẵn một nụ cười. Câu chuyện xoay quanh vấn đề xin cho đoàn hát được tạm trú trong nhà một thời gian chờ cho người về Sàigòn mua cơ phận thay thế cho một chiếc xe vận tải của đoàn hát bị hư. Sửa xe xong, đoàn sẽ lên đường lưu diễn ngay không dám làm phiền thêm nữa.
Ba tôi nhồi một ít thuốc vào cái ống píp, ông bật que diêm nhưng lại không mồi thuốc, thong thả hỏi:
- Đoàn hát có bao nhiêu người?
- Vào khoảng năm chục.
Ba tôi thả que diêm vào cái gạt tàn rồi chỉ vào kho chứa trà rộng mênh mông:
- Tưởng nhiều chứ vài chục thì chuyện cũng dễ, căn nhà đó chứa được hơn trăm người, chỉ sợ anh chị em nghệ sĩ chê là không được tươm tất.
Không để cho khách kịp có ý kiến, ông pha trò:
- Chỉ ở thôi, không có bao ăn đâu nghe!
Khách tươi cười:
- Xin cảm ơn ông nhiều, chúng tôi nào dám nghĩ đến cái chuyện đã được voi lại còn đòi thêm tiên.
Trước khi cáo từ trở ra sắp xếp chỗ cho đoàn hát, khách tặng ba tôi hai tấm vé hạng nhất của xuất hát tối hôm sau tại hội trường của làng.
- Chỉ là hình thức thôi, ông là khách danh dự của đoàn hát, lúc nào chúng tôi cũng dành sẵn hai ghế hạng nhất cho gia đình ông.
Lúc bắt tay tiễn khách, cha tôi nói thêm:
- Cũng xin lưu ý với ông dân số trong làng nếu tính luôn cả công nhân đồn điền chưa đến một nghìn, ông liệu có bao nhiêu người đi coi hát?
- Chúng tôi cũng biết chứ nhưng vì hoàn cảnh đẩy đưa, thực lòng mà nói nếu không trình diễn tuần sau cả đoàn hát sẽ lâm vào cảnh khó khăn, thôi thì chẳng thà bói rẻ còn hơn ngồi không.
- Ông hơi quá lời, nghệ sĩ có chỗ đứng của nghệ sĩ, lối so sánh của ông nghe không được ổn cho lắm.
Giọng nói của khách chừng như chùng xuống xen lẫn chút xót xa:
- Cám ơn ông, cũng là nghiệp dĩ mà thôi, người nghệ sĩ hát rong lấy gió sương làm nhà, rày đây mai đó làm bạn và sống nhờ vào sự thương yêu mến mộ của đồng bào, chúng tôi đâu dám nhận là mình có chỗ đứng riêng của mình.
Ngồi ở hàng ghế đầu nhưng tôi vẫn nghe rõ ràng những lời bàn tán xôn xao về cô đào trẻ đẹp Mai Lan thủ vai Triệu Tử Long.
- Mười tám tuổi mà đã là đào chánh.
- Nói bậy, tao vừa hỏi người bán vé lúc nãy, đúng hai mươi tuổi rồi.
- Nè, im đi cho người ta xem với.
Cả hội trường sống theo câu chuyện. Họ im lặng, nín thở khi Triệu Tử Long đơn thân độc mã vượt phá trùng vây, hò hét để khuyến khích khi thấy Triệu Tử Long máu nhuộm đỏ chiến bào quỵ một chân xuống đất, tay bồng ấu chúa tay chống trường thương, tình cảnh bi thương nhưng hào khí ngất trời.
Tôi không ngờ cải lương hay đến độ khiến tôi mê mẩn tâm thần, mê luôn đôi mắt vẽ xếch ngược lên trời của cô đào Mai Lan.
Đêm hát kế tôi khóc ngon lành khi cô đào Mai Lan trong vai Cúc Hoa ngồi bắt chí cho hai con bên ngôi mộ lúc nửa đêm về sáng. Tôi không nghĩ rằng mình đang coi cải lương bởi vì những nhân vật trên sân khấu diễn xuất thực quá, thực đến nỗi bao nhiêu nước mắt nhớ mẹ tích tụ suốt mấy năm nội trú được dịp tuôn tràn. Tôi khóc chán chê rồi mới giật mình dụi mắt nhìn quanh, thì ra không phải chỉ một mình tôi khóc, cô đào Mai Lan đã khiến cho nhiều người thương tâm, sụt sùi rơi lệ.
Suốt đêm hôm đó tôi mơ mơ màng màng trong giấc ngủ chập chờn.
Quen với nếp sống nội trú, tôi thức dậy sớm định đun cho ba tôi một ấm nước sôi, đang lui cui với mấy thanh củi. - Em nhỏ, chị muốn mượn à ...à..., em đang làm gì vậy?
Tôi nhìn lên, cô đào Mai Lan đứng sau lưng tôi tự lúc nào. Ngạc nhiên lẫn thích thú, vui mừng quá sức khiến tôi đâm ra vụng về, lúng túng nói không nên lời. Ở ngoài đời cô hoàn toàn khác hẳn trên sân khấu, không phải một Triệu Tử Long oai phong lẫm liệt vượt ngàn nguy biến đem ấu chúa về với Hán vương, cũng không phải bà mẹ Cúc Hoa đầy đau thương, khổ lụy của đêm hôm qua mà trước mặt tôi cô đào Mai Lan xinh đẹp, dịu dàng.
- Em chỉ muốn đun ấm nước sôi.
- Tội nghiệp chưa, nhìn em lóng cóng với mấy thanh củi là chị đã biết rồi, để chị giúp cho.
Chị vừa chất những thanh củi vào bếp vừa nhìn tôi với đôi mắt to tròn, đen láy, cái nhìn đầy trìu mến khiến tôi như ngộp thở, khi ngọn lửa đã cháy đều chị hỏi tôi:
- Em cần giúp gì nữa không?
- Dạ không.
Chị nhìn ra ngoài cửa ra chiều suy nghĩ, ngón tay trỏ để lên môi chống hờ vào chiếc mũi xinh xinh.
- Em có muốn ăn sáng với chị không?
Tôi nghe nhưng chưa kịp hiểu thì chị đã nói tiếp:
- Đợi chị một chút.
Chỉ một thoáng sau, chị trở lại với chiếc rổ trên tay trong khi tôi vẫn còn ngẩn ngơ như ốc mượn hồn.
- Chị em mình ăn sáng chung cho vui, có trứng gà ốp-la, bánh mì, chỉ tiếc là thiếu cà phê.
- Nhà có cà phê mà chị.
Bây giờ đến lượt chị lấn cấn, lọng cọng, chị loay hoay với chảo dầu, ấm nước. Tôi được ăn bánh mì cháy xém một góc, trứng ốp-la chín như luộc. Đôi má của chị ửng hồng không biết vì sức nóng của bếp lửa hay ngượng ngùng vì món ăn chị nấu. Chị nói với tôi mà như tự trách mình:
- Chị có biết nấu ăn bao giờ đâu. Tráng cái trứng cũng không xong, chị em mình coi bộ giống nhau quá.
Căn phòng bỗng dưng ấm cúng vô cùng, cái hàng rào vô hình xa lạ ngăn cách giữa tôi và chị không còn nữa. Chị khuấy ly sữa đặc, nhấp thử một chút, thêm tí cà phê.
- Vừa uống rồi đó em.
Tôi vụng về nhận ly sữa nơi tay chị. Hạnh phúc đến với tôi quá bất ngờ khiến tôi sợ nó tan biến đi lúc nào không biết. Tôi ăn uống chậm rãi như đang thưởng thức món ăn chị nấu. Thực ra tôi chỉ muốn kéo dài thời gian ở bên chị.
Tôi nhớ lại những bữa ăn trong nội trú, hai dãy bàn ăn dài thăm thẳm, muỗng, nỉa, ly, chén lạnh ngắt, lạnh như gương mặt ông giám thị đứng ở đầu phòng.
- Em đang nghĩ gì vậy? Uống đi kẻo sữa nguội hết.
Tôi bưng ly sữa lên, hỏi chị câu hỏi ngu ngơ chẳng đâu vào đâu:
- Lúc sáng chị hỏi em, chị muốn mượn cái gì?
- Thôi, không cần nữa đâu em.
Tối hôm sau, khi biết tin đoàn nghỉ hát một đêm, tôi lân la qua kho chứa trà, chỗ đoàn hát đang trú ngụ. Một người trong đoàn hỏi:
- Em tìm ai?
Tôi biết mặt mình đỏ như trái gấc, tôi mắc cở vì sợ người khác đọc được ý nghĩ của mình, đang lúng túng, ngượng ngùng tôi chợt thấy nhẹ nhõm, chị đi đến bên tôi:
- Cơm nước gì chưa?
- Dạ em ăn rồi.
Tôi nói láo ngon ơ.
- Ngồi đây chơi đợi chị mặc thêm chiếc áo ấm, lát nữa chị em mình đi dạo. Hôm nay rằm đó em có biết không?
Rằm hay mồng Một không phải là chuyện khiến tôi bận tâm.
- Khi nào đoàn hát sẽ lên đường vậy chị?
- Chờ sửa xe xong sẽ đi.
- Độ bao lâu nữa?
- Chị không rõ, chắc không lâu đâu.
Tôi biết rằng khi chiếc xe chưa sửa xong thì tôi vẫn còn có chị.
Trăng đã lên phía sau rừng, mặt trăng tròn tựa như một tấm gương ngà tỏa ánh sáng dịu dàng, lành lạnh lên khắp vườn trà, những lá trà xanh thẩm phơi mình dưới ánh trăng trong. Trăng sáng đến độ tôi có thể nhìn rõ bên kia quốc lộ những đồi trà nối tiếp nhau, chập chùng uốn lượn theo triền dốc như một tấm thảm nhung xanh loang loáng ánh trăng vàng.
Chị dẫn tôi đến nơi chiếc ghế đá trước sân ngồi ngắm sao trời. Bầu trời không một gợn mây trong đó vài vì sao lấp la lấp lánh, giữa không gian bao la tĩnh mịch chị thì thầm kể cho tôi nghe câu chuyện cổ tích của sao hôm và sao mai. Bất ngờ chị hỏi tôi:
- Em có biết mỗi vì sao là hiện thân của một người trên trái đất này không?
- Nếu sự thực là như vậy thì ngôi sao nào đứng một mình sẽ là của em.
- Đừng nói vậy, em không cô đơn đâu, em còn có cha, có gia đình, bạn bè, trong khi chị không cha, không mẹ được ông Bầu xin chị từ một viện mồ côi về làm con nuôi. Bao nhiêu năm rồi, cuộc sống của chị nổi trôi theo đoàn hát, buồn vui tùy thuộc vào cảm tình của khán giả ban cho. Đã nhiều lần chị cố hình dung gương mặt của cha mẹ chị nhưng đành chịu vì khi chị bắt đầu biết được có sự hiện diện của mình trên cõi đời này thì chị đã ở trong viện mồ côi. Hình ảnh của cha mẹ chị bây giờ vẫn còn mờ mịt trong cõi nhớ xa xăm.
Đưa tay vén mớ tóc lòa xòa trên trán, chị quay sang tôi:
- Em có lạnh không?
- Dạ có.
- Ngồi xích lại đây cho ấm.
Giọng nói của chị đầy xúc động:
- Em à, những tâm hồn cô đơn thường dễ hòa chung thành một.
Dưới ánh trăng vàng, đôi mắt của chị long lanh như những ánh sao, chớp tắt sau hàng lông mi dài, cong vút. Chị ca cho tôi nghe những bài vọng cổ buồn đến não ruột. Tôi mơ màng chìm vào giấc ngủ êm đềm mà trong đó giọng ca ngọt ngào truyền cảm của chị trầm xuống bên tai: - Bởi sa cơ giữa chiến trường thọ tiễn cho nên Võ Đông Sơ đành chia tay vĩnh viễn Bạch Thu Hà.
Ngày đoàn hát lên đường, trước khi đi chị ôm chặt lấy tôi hôn nhẹ lên má. Tôi ngửi được mùi thơm thoang thoảng ấm nồng của da thịt từ người chị truyền sang.
- Gắng học giỏi nghe em trai cưng, có dịp lưu diễn ở Đà Lạt chị sẽ ghé thăm.
Tôi đứng yên trong lòng chị mặc cho cảm xúc dâng tràn.
Những năm sau đó, mỗi khi hè đến tôi không muốn trở lại sở trà của ba tôi mặc dù tôi rất nhớ ông. Mãi cho đến năm đậu xong tú tài, trước khi vào lính tôi mới trở về.
Nhìn ngôi nhà đứng một mình bơ vơ trong nắng chiều hiu quạnh, chiếc ghế đá trước sân mà đêm trăng năm nào tôi ngồi bên chị vẫn còn đó, cảnh cũ còn đây nhưng chị thì đã phiêu bạt phương nào, lẩn quẩn đâu đây, mơ hồ trong gió giọng nói ngọt ngào, êm ái của chị - em trai cưng- .
Tôi để cho nước mắt của mình chảy xuôi theo dĩ vãng. Không biết mình có lầm lẫn giữa sân khấu và cuộc đời, giữa tình chị em và tình yêu trai gái hay không? Nhưng tôi biết chắc rằng ở một nơi nào đó, tận cùng trong trái tim tôi hình bóng cô đào Mai Lan với đôi mắt đen lay láy, chiếc mũi xinh xinh và cái nốt ruồi trên khóe miệng, muôn đời không bao giờ phai lạt trong tôi.
Tôi ngồi bệt xuống đất bên cạnh mớ rau mồng tơi.
- Rau bán pao hay bó?
Hỏi để mà hỏi, tôi chỉ muốn nhìn chị thật gần, thật kỹ và hy vọng chị nhận ra tôi.
- Xin lỗi chị, tôi thấy chị hơi quen, ngày xưa chị ở đâu?
- Ở Việt Nam.
Tôi suýt cười thành tiếng khi nghĩ rằng chị nói đùa.
- Ở Việt Nam nhưng mà ở tỉnh nào?
- Sài-gòn, Cần Thơ, Vũng Tàu. Đúng rồi Vũng Tàu, nơi ấy có nhiều tàu vượt biên, mà ông nè chỗ ấy bọn hải tặc cũng nhiều lắm, coi chừng đó!
Đôi mắt của chị không thần, không sắc, hình như chị đang sống ở một thế giới khác chẳng dính líu gì đến cuộc đời này mà cũng chẳng thiết tha gì đến thực tại. Tôi hơi ngạc nhiên hỏi chị:
- Hải tặc ở Vũng Tàu?
- Ừ, bọn nó đông lắm.
- Chị có biết Bảo Lộc hay Đà Lạt không?
- Không, tôi đi từ Vũng Tàu mà.
- Chị nhận ra em không?
- Ông là ai?
Tôi hoàn toàn tuyệt vọng, người đàn bà trước mặt tôi không phải là chị. Tất cả chỉ là do cái trí nhớ tồi tệ của mình mà thôi. Người giống người cứ cho là vậy đi nhưng còn cái nốt ruồi trên khóe miệng thì sao? Trước khi bỏ đi tôi cố gắng xác định một lần cuối cùng.
- Chị Mai Lan, nhớ em không?
- Mai Lan, Mai Lan nào?
Khi nói xong hai chữ Mai Lan, gương mặt và đôi mắt của chị biểu lộ sự sợ hãi tột cùng, chị đưa hai tay ôm lấy đầu, nép sát vào chân tường. Cái lối phản ứng tự vệ của người yếu đuối, thế cô khi phải đương đầu với bạo lực.
Không còn gì phải suy nghĩ, tôi đã nhận lầm người. Tôi nhặt một bó rau, mở ví lấy tiền.
- Bao nhiêu một bó?
Bà bán rau ngồi bên cạnh nói vọng sang:
- Đưa cho cô ấy hai tờ một đồng, cô ấy không biết thối lại tiền đâu.
Lòng thảnh thơi, nhẹ nhõm, tôi ôm bó rau mồng tơi trở lại quán cà phê nơi anh bạn của tôi đang ngồi chờ gói thuốc. Đi được vài bước, tôi còn nghe loáng thoáng mấy bà bán rau trò chuyện với nhau, chỉ là chuyện vô thưởng vô phạt đối với họ.
- Coi bộ khật khùng như vậy chứ khi mà xuống sáu câu vọng cổ, Võ Đông Sơ Bạch Thu Hà, tôi dám cá với bà, nếu đem so với cải lương chi bảo ở hải ngoại thì chưa biết mèo nào cắn mỉu nào.
HUY VĂN
Subscribe to:
Posts (Atom)